Lại bàn về chữ "chạy"
Hội nghị Trung ương 7 vừa rồi lại nêu lên những vấn đề nhức nhối từ chữ “chạy”. Theo lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì “tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội,... chậm được ngăn chặn và đẩy lùi”. Tỉ mẫn đếm ra có 7 chữ “chạy” được nêu, nhưng cái dấu chấm lửng hàm ý còn nhiều chữ “chạy” khác nữa.
Nhắc lại Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng nêu lên 9 chữ chạy là “chạy thành tích, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp”.
Lại nhớ chuyện xa hơn nữa, hồi Nghị quyết Trung ương 4 (khóa IX) ra đời, nhà báo Hữu Thọ đã xuất bản cuốn tiểu phẩm “Chạy”, chỉ ra muôn mặt kiểu chạy. Theo ông Hữu Thọ, việc “chạy” bây giờ thường diễn ra, khiến có người lúc đầu không muốn chạy, nhưng cả làng chạy thì mình không thể không chạy theo. Thế là hỏng, là loạn, trước hết là loạn chuẩn. Đáng sợ là hàng giả, tiền giả, bằng giả, danh hiệu giả, kiến thức giả,... những thứ này tuy nép rất khéo trong cái thật đã góp phần làm nên “người giả”. Mà những “người giả” này dễ được tin dùng, cất nhắc nếu họ không được kiểm tra từ hành động, kết quả hay từ đánh giá trung thực của nhân dân.
Rõ là chuyện chạy có “lịch sử” dài lâu. Nhưng thức nhận có tình trạng chạy là một chuyện, còn chỉ ra ai chạy, chạy ai, vì sao phải chạy, làm thế nào ngăn nạn chạy… thì vẫn chậm chạp. Dân chạy thì nhiều kiểu xin xỏ, như xin việc, xin chế độ hỗ trợ, cho hay không còn tùy; nhưng quan chạy mà không cho thì có thể sinh ra “mất đoàn kết nội bộ”. Cho nên nạn “cánh hẩu”, “nhóm lợi ích” từ đó phái sinh. Đặc biệt nguy hiểm ở cái sự quan chạy là làm cho tình trạng tha hóa trong bộ máy công quyền, sự suy thoái biến chất trong cán bộ, đảng viên trầm trọng thêm. Chính vì vậy Trung ương Đảng mới phải bàn làm thế nào để hoàn thiện thể chế kiểm soát quyền lực và chống tệ chạy chức, chạy quyền, thân quen, cánh hẩu, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ theo nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế và quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm. Nghĩa là tìm cách chống nạn chạy, trước hết bằng thể chế, chế tài luật pháp.
Muốn chống chạy thì phải bịt các cửa chạy.
Cửa để quan chạy hình thành từ sự tha hóa quyền lực, “tham nhũng ghế”, lợi ích nhóm, cơ chế “xin - cho”... Kẻ chạy thường dựa vào mấy thứ như quan hệ, tiền tệ, hậu duệ... để chạy. Có người ban phát và tạo ra cửa mới có kẻ chạy. Bọn “cò chạy” cũng bu quanh các cửa đó mà kiếm cái ăn khi làm môi giới giữa người ban phát và kẻ chạy. Vì vậy, muốn bịt các cửa chạy trước cơ quan công quyền thì phải đẩy mạnh sự minh bạch hóa, dân chủ hóa và phải có các công cụ giám sát hữu hiệu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong cuộc tiếp xúc cử tri mới đây cũng đã nêu rõ để ngăn việc chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp trong cán bộ, đảng viên ở mọi cấp, mọi ngành thì cần có cơ chế giám sát tốt hơn; phải lắng nghe phản ánh của nhân dân, xử lý nghiêm mọi hành động sai trái, từ đó có chủ trương, giải pháp quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm, đào tạo cán bộ.
Dù có phương cách gì thì nạn chạy, các kiểu chạy chỉ có thể ngăn chặn chứ khó bài trừ tuyệt đối trong một sớm một chiều. Bởi như sự tha hóa quyền lực khiến tình trạng “tham nhũng ghế” và “cơ chế xin – cho” chưa thể dứt di chứng dài lâu. Lại thêm chuyện “nén bạc đâm toạc tờ giấy” làm nảy sinh bao phức tạp trong quan hệ đời sống xã hội nên nhu cầu chạy chọt để tranh đoạt lợi ích cá nhân còn dai dẳng. Biết rất nhiều chữ chạy còn tồn tại, nhưng việc xác định và tìm cách khắc chế được 9 hay 7 chữ chạy đã nói cũng sẽ tạo nên những chuyển biến rất lớn trong xây dựng Đảng và bộ máy công quyền.
NGUYỄN ĐIỆN NAM