Biết, không biết
Chuyện phá rừng ở Quảng Nam, sau khi báo đài đưa tin rầm rộ thì cả nước đều biết. Nhưng trước đó, có cán bộ kiểm lâm và quản lý rừng như không biết, nay bị đình chỉ công tác để làm rõ thực hư. Mà thiệt lạ, lực lượng, phương tiện để theo dõi rừng bây giờ đâu khó tìm. Người ta dùng “bẫy ảnh” có thể thấy con gà lôi lam bé nhỏ xuất hiện trong cánh rừng mênh mông thì hà cớ gì không biết cả những con đường mòn kéo gỗ, những cây lim cổ thụ (?!). Rừng có thể hiểm trở, nhưng gỗ bị chặt đưa ra thì phải có trâu kéo, xe chở, đâu mọc cánh mà bay qua được hết trạm này đến trạm khác gác cửa. Cũng liên quan đến gỗ, cả chiếc xe chở quá khổ gốc cổ thụ kềnh càng chạy suốt cung đường dài qua nhiều tỉnh mà nói cảnh sát giao thông không biết thì người ta cười vào mũi. Những vụ việc đó, nếu báo chí không lên tiếng thì chắc lại nói không biết.
Biết mà nói không biết còn nhiều vấn đề mà dư luận tuần qua chưa hết râm ran. Các vụ cháy nổ xảy ra kinh hoàng và tiếp tục gây phập phồng cho cư dân ở các chung cư. Chủ đầu tư biết lấy tiền bán căn hộ, nhưng lại không biết việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ. Khi xảy ra sự cố rồi thì họ thanh minh thanh nga, còn cơ quan chức năng thì mới đi rà soát, “mất bò mới lo làm chuồng”.
Gần đây, cũng trong chuyện đầu tư bất động sản, có nhiều vụ lùm xùm gợi lên nhiều câu hỏi. Tại sao giải tỏa đất của dân với giá đền bù rẻ mạt nhưng phân lô bán nền, xây biệt thự thì bán giá trên trời? Đừng nói người ký giao đất cho doanh nghiệp không biết. Như ở Nam Ô, nhà nước thu tiền của doanh nghiệp một đồng mà phải bỏ ra hơn hai đồng lo giải phóng mặt bằng. Rồi điều chỉnh quy hoạch gì mà đất dành cho du lịch sinh thái, từ từ chuyển qua đất chủ yếu dành cho biệt thự? Một vụ khác còn đau xót hơn mà báo Pháp luật Việt Nam vừa chỉ ra ở Đồng Nai, doanh nghiệp đền bù cho dân với giá đất rẻ mạt sau đó san ủi bán với giá đắt gấp hàng trăm lần. Buồn thảm hơn là dự án ấy đã đẩy nhiều gia đình nông dân vào cảnh bần cùng, người chết cũng không yên. Chính quyền sở tại mà nói không biết thực trạng đó thì người dân biết kêu ai?
Những việc đáng biết nói không biết, lại có những chuyện không biết thì nói như biết. Đắng tựa... cà phê Trung Nguyên vậy (!). Một thương hiệu xây dựng hơn hai mươi năm gian khó, với giá trị hàng ngàn tỷ đồng, bỗng chao đảo vì chuyện thị phi. Chia duyên rẽ thúy của vợ chồng chủ thương hiệu này, người ngoài sao biết tường tận cụ thể thế nào mà bàn mà kể (?). Dẫu có biết đi nữa nhưng nói ra việc chẳng hay ho có thể làm ảnh hưởng doanh nghiệp với hàng ngàn lao động thì ích lợi gì. Vậy mà từ báo chí đến mạng xã hội “chia phe”, người ủng hộ ông Vũ, người bênh vực bà Thảo, rồi nảy ra các kiểu phán xét về đạo đức. Cà phê thì nhỏ từng giọt nhưng nước mắt có thể tuôn đầm đìa, vì đằng sau đó còn có những đứa con của họ, bêu riếu làm chi cho thêm tủi nhục.
Biết nói biết, không biết nói không biết, ấy là biết vậy. Câu này các vị nhà nho xưa hay dẫn. Nhưng nay thì nhiều người nói khác, có cái biết nhưng nói không biết, lại có chuyện không biết nói như biết. Ứng xử như thế nào là tùy cảnh huống, nhưng thiết nghĩ việc đáng biết lại không biết hay ngược lại không biết mà nói biết, ít nhiều có thể gây nhiễu loạn thông tin. Trong một số trường hợp hư thực nhập nhằng như vậy cũng làm tổn hại cho xã hội rất khó lường.
NGUYỄN ĐIỆN NAM