Nhỏ to khôn dại

NGUYỄN ĐIỆN NAM 11/03/2018 09:53

Làm cái đám giỗ hay lễ cúng đầy ắp mâm cao cỗ đầy thì thêm mấy đồng mua vàng mã để đốt là chuyện nhỏ? Đúng, có thể nhỏ với một vài đám, một vài người nhưng tính cả xã hội thì không còn nhỏ nữa. Theo một chuyên gia nghiên cứu xã hội học, ước tính bình quân mỗi gia đình trong năm chi dùng hơn 600 ngàn đồng để mua vàng mã, hương hoa và đồ cúng không phải thực phẩm. Tính ra cả nước mất khoảng 16 ngàn tỷ đồng mua đồ cúng để... đốt bỏ (?!). Cũng theo cách tính thực dụng ấy, xa xưa một nhân vật văn hóa người Quảng Nam là cụ Thủ Thiệm, đã từng nói đại ý về chuyện nhập tục đốt vàng mã rồi mua áo giấy để đốt, rằng “tụi Tàu nó khôn hơn mình. Chúng chở qua một tàu giấy chở về một tàu gạo. Dân mình dại, đem gạo đổi giấy để đốt đi”.

Chuyện nhỏ to khôn dại đâu chỉ có việc ấy? Nhập theo cái học khoa cử của phong kiến Tàu thời xưa, đến hồi mạt vận còn bám víu quan niệm học để làm quan nên sinh ra nhiều tiến sĩ giấy mà cụ Nguyễn Khuyến từng phê phán “cũng cờ/ cũng biển/ cũng cân đai/cũng gọi ông nghè có kém ai...”. Đến phong trào Duy tân cách đây hơn thế kỷ, trong đó nổi tiếng là “bộ ba Quảng Nam” (gồm Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng), đã hô hào bỏ cái học từ chương, khoa cử. Vậy nhưng di chứng của thói học cũ với sự háo danh khoa cử vẫn còn đến ngày nay. Không vậy thì làm sao có vụ ồn ào về đợt xét công nhận giáo sư, phó giáo sư vừa rồi, đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải yêu cầu rà soát. Rà rồi mới thấy 95 người còn phải xem xét lại, và ông Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phải “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Phải chăng “cái dây kinh nghiệm” càng rút càng dài ra, nên đến cuối năm rồi cả nước đã có hơn 3.000 giáo sư và phó giáo sư, một con số lớn hơn rất nhiều quốc gia trong khu vực. Nhiều người chức danh to đến vậy mà công trình nghiên cứu khoa học hay phát minh sáng chế được công bố lại là con số nhỏ nhất trong vùng. Bởi theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, số bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam trong 5 năm gần đây tăng 60%, nhưng mới chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1.240 của Hàn Quốc và 1/3.170 của Trung Quốc. Nhiều người đã “quỳ gối” trước hư danh thì nền giáo dục là khôn hay dại? Người làm thầy phải quỳ gối trước phụ huynh vì sợ mất lòng (hay mất công ăn việc làm?) thì phẩm tiết của nhà giáo sẽ còn gì?

Trong văn hóa có hai vấn đề thời sự nổi cộm như vậy, còn chuyện làm ăn thì thế nào? Cả nước đang lo việc lớn về quốc gia khởi nghiệp và hội nhập kinh tế thế giới sâu rộng. Hiệp định CPTPP được ký mở ra cơ hội cho hàng hóa Việt đẩy mạnh xuất khẩu. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp còn an phận với quy mô nhỏ, năng suất thấp, sẽ là thách thức lớn trong cạnh tranh. Bởi khi các thương hiệu lớn, tập đoàn to của nước ngoài vào Việt Nam sẽ thâu tóm thị trường. “Sân chơi lớn” sẽ không dành chỗ cho năng lực cạnh tranh quá bé nhỏ. Tuy nhiên, cũng cần hết sức cân nhắc khi mở rộng quy mô. Không hiếm nước lớn vẫn gặp rủi ro do quy mô sản xuất quá lớn nên có mùa vụ hàng hóa rơi vào tình trạng khủng hoảng thừa. Điều này thấy rõ trong lĩnh vực nông nghiệp. Hiện nay, ta đã chủ trương khuyến khích tích tụ ruộng đất để cải tạo đồng ruộng, đầu tư ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất cây trồng cho năng suất và chất lượng cao. Nhưng bài toán đặt ra là phải tìm ẩn số về quy mô đất đai tích tụ bao nhiêu thì vừa để không quá tầm quản trị của doanh nghiệp, nông dân? Tích tụ ruộng đất không đơn giản là con số cộng cơ học mà phải là quá trình tiến dần đến hình thành các chuỗi ngành hàng tạo ra nhiều công ăn việc làm trong các khâu sản xuất, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, thương mại... Tích tụ đất đai cũng là điều kiện đưa công nghệ cao, nông nghiệp thông minh phủ trên những cánh đồng, chứ không phải làm “cánh đồng mẫu lớn” chỉ để... nhìn cho đã con mắt. Quy mô to hay nhỏ, khôn hay dại trong làm ăn là xét về tư duy quản trị, chọn sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào cho hiệu quả chứ không thể mơ hồ rằng ta sẽ “đi từ thung lũng đau thương đến cánh đồng vui” bằng nghị quyết chung chung đại khái.  

Nhỏ hay to, khôn hay dại, là do so sánh, quy chiếu, suy xét. Cái hữu ích trong đời sống xã hội, văn hóa, giáo dục, cái lợi trong kinh tế có thể là thước đo cho góc nhìn để xem xét điều chỉnh, bỏ cái xấu chọn cái tốt mà phát triển, tiến bộ.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM