Sự tử tế
Ngay từ những năm đầu của thời kỳ Đổi mới, có một bộ phim tài liệu ra đời gây chấn động dư luận là Chuyện tử tế của đạo diễn Trần Văn Thủy. Bộ phim nói chuyện tử tế nhưng ban đầu bị cấm chiếu bởi đụng chạm vấn đề nhức nhối của xã hội ta là càng ngày càng thiếu đi sự tử tế giữa con người với con người. Để trả lời cho câu hỏi “Thế nào là sự tử tế?”, bộ phim đã xoáy vào những thân phận con người trong đời thường, từ người thành phố, kẻ nhà quê, người bệnh phong bị xã hội xa lánh, đến các trí thức văn nghệ sĩ và cả những cựu binh từng một thời trận mạc oai hùng trở về sống trong nghèo khổ...
Vượt qua những rào cản, cuối cùng bộ phim Chuyện tử tế cũng được trình chiếu tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig ở Cộng hòa Dân chủ Đức vào tháng 11.1988, được trao giải Bồ câu bạc, giải thưởng lớn thứ hai của Liên hoan phim. Một số báo chí quốc tế thời đó ví Chuyện tử tế như “Quả bom đến từ Việt Nam nổ tung ở thành phố Leipzig”, được đánh giá là một trong mười phim tài liệu hay nhất thế giới.
Đã 30 năm trôi qua nhưng xem lại bộ phim Chuyện tử tế, vẫn day dứt trăn trở với câu hỏi thế nào là sự tử tế. Cách giải thích “Sự tử tế, tử tế thật sự không phải là chuyện có tiền bạc hoặc muốn là có ngay. Nó cũng phải được học hành, được dạy dỗ, được tập luyện, kế thừa và gìn giữ”, dường như vẫn còn nguyên tính thời sự đáng suy ngẫm.
Liệu chúng ta tử tế chưa khi từ trong ý tưởng đề xuất bỏ cả ngàn tỷ đồng làm nghĩa trang cho quan chức cấp cao, trong khi còn thiếu trường học, bệnh viện cho dân nghèo? Nhiều đại án tham nhũng cũng bắt đầu từ việc thiếu tử tế ngay ở ý tưởng đề xuất, cứ vung tiền của công - đồng tiền thuế thấm đẫm mồ hôi nước mắt của dân, để đầu tư vô tội vạ rồi kiếm chác “hoa hồng”.
Liệu tử tế chưa khi luôn giành giật cái lợi riêng mình mà đến cửa chùa còn nhét tiền vào tượng Phật để cầu tài, dự hội tranh nhau cướp lộc, bỏ việc công đi lễ để mong thánh thần tế độ?
Liệu sự tử tế có phải là điều mỉa mai khi có người bạo hành với ngay thân nhân của mình, đánh cả thầy thuốc vừa chữa bệnh cho người nhà của mình? Rồi, đến cả danh dự cao quý của những người thầy cũng bị bôi bác, khi nghi vấn đặt ra có hay không việc chạy “chuyến tàu vét” để được phong hàm giáo sư?
Đạo đức xã hội xuống cấp, đạo đức cán bộ suy thoái, đạo đức người thầy lem luốc... hay nói chung là đạo đức của con người bị suy đồi là nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tử tế trong ứng xử, hành xử, đối nhân xử thế, gây nên bao nỗi thống khổ của người đời.
Đạo đức là một giá trị cốt lõi để làm nên giá trị con người. Đạo đức là sợi dây để níu kéo tâm hồn con người không quay lưng lại với nỗi đau của đồng loại. Vì vậy, không phải khi có bộ phim Chuyện tử tế ra đời đến nay ta mới phải bàn và suy ngẫm về đạo đức với sự tử tế mà cặp vấn đề nhân văn/bất nhân, thiện/ác luôn là sự trăn trở của cả nhân loại từ xưa đến nay. Quan trọng là lòng tin vào giá trị nhân văn cao đẹp sẽ hướng thiện cho con người. Liệu ở thời buổi hiện nay lòng tin đó là hoang đường? Không, như cách đề cập “Tử tế như hoa thơm, hoa đẹp không thể thiếu được của cuộc đời”, hàng ngày đâu đó vẫn hiện lên những con người tử tế làm việc tử tế. Ta vẫn thấy rất nhiều trái tim thiện nguyện hàng ngày chăm lo cho người nghèo, người không may gặp hoàn cảnh đáng thương, bất hạnh. Ta vẫn có thể chứng kiến những thầy thuốc tận tâm cả đời tìm cách cứu chữa, xoa dịu nỗi đau bệnh tật cho bao bệnh nhân. Từ việc nhỏ như trả lại của rơi, giúp người già, trẻ em qua đường, đến việc lớn như thiết kế cả chương trình vì người nghèo, hiến máu cứu người đều là chuyện tử tế. Ta vẫn nhìn thấy những người làm ăn tử tế để giúp mình và xã hội cùng phát triển...
Vấn đề ở đây là không cần rao giảng về đạo lý làm người, về đạo đức một cách trừu tượng mà nên xiển dương, cổ xúy những người tử tế, việc tử tế càng nhiều càng tốt để bồi đắp lòng tin hướng thiện. Đồng thời cần tạo lập môi trường để sự tử tế được nẩy nở, đơm hoa, kết trái.
NGUYỄN ĐIỆN NAM