Số 1, ít và nhiều

NGUYỄN ĐIỆN NAM 04/02/2018 08:10

Số 1, là chỉ một. Đó là cách hiểu giản đơn với dự thảo đề án chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” mà Bộ NN&PTNT đưa ra. Nghe nói đề án đang đợi Chính phủ xem xét phê duyệt, trong đó Quảng Nam là 1 trong 10 tỉnh thành được chọn làm thí điểm.

Một cộng đồng (làng, xã phường) chọn 1 sản phẩm để phát triển, đó là cách mà ông cha ta đã làm từ xưa, nếu không thế sao có được những làng nghề nổi tiếng. Như ở Quảng Nam đã từng có làng đúc đồng (Phước Kiều), làng mộc (Kim Bồng, Văn Hà), làng gốm (Thanh Hà),...

Nhưng người nước ngoài (như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan...)  thì biết cách tôn vinh điều đó không phải để “tự sướng” mà “tự sống”, nghĩa là họ biết cách xây dựng thành thương hiệu sản phẩm hàng hóa, bán ra và nuôi sống được cộng đồng làng/xã ấy; rồi quy chuẩn thành một chương trình rất khoa học, gọi là OCOP (One Commune One Product). Như thế, số 1 không chỉ nói một sản phẩm, mà phải là sản phẩm hàng đầu, đáp ứng được tiêu chí độc đáo, mang đậm nét đặc trưng của tài nguyên bản địa và phải được thị trường chấp nhận. Bây giờ ta phải học cách làm hiệu quả của họ, trên cơ sở rất lợi thế về “đất trăm nghề”.

Số 1, tưởng ít mà hóa ra rất nhiều, vì mỗi làng/xã một sản phẩm, nếu thành công thì tổng thể nhiều vô kể. Như ở Quảng Ninh - tỉnh đầu tiên thực hiện OCOP từ năm 2013, đến nay đã hình thành và phát triển gần 200 sản phẩm. Quảng Nam thì mới khảo sát sơ bộ để xây dựng đề án thực hiện, đã thống kê được 165 sản phẩm. Đó là số hiện có, còn tiềm năng thì nhiều không kể hết. Vấn đề đặt ra cần suy nghĩ làm cái gì là thiết yếu nhất để sản phẩm đáp ứng tiêu chí khó nhất: được thị trường chấp nhận?

Đã có nhiều ý kiến đề xuất giải pháp cho việc triển khai thành công chương trình OCOP, nhưng theo chúng tôi, một điều cốt lõi cần chú ý trước tiên là kết nối cung cầu. Bất luận thế nào, sản phẩm làm ra có được thị trường chấp nhận tiêu thụ thì mới có thu nhập đủ nuôi dưỡng được cả chuỗi từ sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Do vậy, kết nối cung cầu phải là vấn đề cần chú ý ngay từ bước quy hoạch sản phẩm dự tính hình thành và phát triển.

Kết nối cung cầu theo kiểu cũ được hiểu là làm “mồi chài”, “mai mối” (thậm chí tiêu cực là làm “cò”) giữa nhà sản xuất và nhà phân phối. Theo đó, cứ dắt tay hai nhà ấy đến với nhau là xong; nhưng thực tế nhiều chương trình hợp tác như vậy đã đổ vỡ, vì mối quan hệ lỏng lẻo, hoặc xảy ra chuyện bội tín phá vỡ cam kết, bỏ của chạy lấy người khi thị trường biến động.

Một mô hình kiểu mới cần nghiên cứu là kết nối cung cầu bằng cách hợp tác 4 bên, gồm: nhà sản xuất và doanh nghiệp chế biến - nhà cung ứng và hướng dẫn công nghệ - nhà hướng dẫn xây dựng tiêu chuẩn và điều phối - nhà phân phối với hệ thống siêu thị, đầu mối tiêu thụ. Đối với loại sản phẩm là nông sản, theo bà Vũ Kim Hạnh  (nhà báo, chuyên gia tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp), kết nối cung cầu theo mô hình trên nhằm mục đích trước tiên làm cho nông dân hiểu rõ rằng muốn sản xuất và tiêu thụ ổn định cần tiêu chuẩn hóa để đảm bảo ổn định chất lượng hàng hóa, truy xuất được nguồn gốc, minh bạch quy trình phòng tránh rủi ro mất an toàn. Như thế sản phẩm mới được thị trường chấp nhận, nhất là hướng ra xuất khẩu. Trong mô hình hợp tác 4 bên nói trên thì nhà nước có vai trò hỗ trợ chính sách khuyến khích, xúc tiến thương mại, đồng thời định hướng cho các cơ quan chức năng về kiểm định chặt chẽ chất lượng hàng hóa, quản lý sở hữu trí tuệ, xây dựng bộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm...

Để có số 1, có nhiều việc phải chuẩn bị và triển khai. Trong khi chờ Chính phủ phê duyệt Đề án chương trình quốc gia “mỗi xã một sản phẩm” thì Quảng Nam dự tính sẽ vào cuộc triển khai ngay đầu năm mới. Hy vọng với chương trình này, những vùng “đất trăm nghề” sẽ được phục sinh, làm nên sức sống mới trong nông thôn mới.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM