Từ bóng đá, củ sâm,... đến tầm thương hiệu quốc gia

NGUYỄN ĐIỆN NAM 27/01/2018 08:36

Nếu đồng ý với cách nhìn thương hiệu quốc gia là hình ảnh quốc gia thì có nhiều thứ để quảng bá.

Nói ngay như bóng đá, khi đội U23 tiến vào trận tứ kết, bán kết rồi chung kết châu Á, hình ảnh Việt Nam đã “gây bão” trên truyền thông báo chí, cộng đồng suốt tuần qua. Trong đó, nhiều hãng tin, trang báo và mạng xã hội trên thế giới với hàng tỷ tỷ lượt truy cập đã đưa hình ảnh đội bóng cùng lá cờ Việt Nam, ngôi sao vàng năm cánh, và vô vàn lời ngợi ca về “tinh thần Việt Nam bất khuất”. Không có gì quảng bá tốt hơn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam đẹp như thế, rộng khắp như thế, hấp dẫn đến thế.

Không chỉ thể thao mà trong lĩnh vực văn hóa, nhiều lần tên gọi Việt Nam được xướng lên trên diễn đàn thế giới gắn với các di sản vật thể, phi vật thể được UNESCO công nhận.  

Còn về sản phẩm hàng hóa, việc xây dựng thương hiệu quốc gia có nhiều vấn đề đặt ra. Lâu nay, trên nền tảng nông nghiệp, Việt Nam đã cố công gầy dựng thương hiệu quốc gia về gạo, cà phê, nước mắm... Gần đây, với việc xúc tiến xuất khẩu, nông nghiệp Việt Nam cũng nổi lên nhiều sản phẩm có thương hiệu lớn như cá tra, các loại trái cây (thanh long, vải thiều...). Tuy nhiên, tiềm năng còn rất lớn để xây dựng các thương hiệu sản phẩm, điển hình như dược liệu và cây sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh).

Trời đã ban cho nước ta rất nhiều loài dược liệu quý mà theo điều tra khảo sát có tới 5.117 loài thực vật và nấm, 408 loài động vật và 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Về cây sâm, cả thế giới hiện chỉ có 5 loại sâm quý nổi tiếng, gồm sâm Ngọc Linh (Việt Nam), sâm Triều Tiên (xưa ta hay gọi sâm Cao Ly), sâm Trung Quốc và 2 loại sâm Mỹ. Đặc biệt, sâm Ngọc Linh có những tính năng mà sâm một số nước khác không có như tính kháng khuẩn, chống trầm cảm, chống stress, hiệp lực tốt với thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tiểu đường,...Theo TS.Trần Công Luận, về mặt hóa học, thân rễ và rễ củ sâm Ngọc Linh đã phân lập được 52 saponin, trong đó, 26 sanopin thường thấy ở sâm Triều Tiên, sâm Mỹ và sâm Nhật và 26 saponin mới chỉ có trong sâm Ngọc Linh.

Có nhiều thứ quý như vậy nhưng chúng ta vẫn chưa xây dựng được một ngành công nghiệp dược liệu tương xứng tiềm năng, chưa có nhiều sản phẩm mang thương hiệu quốc gia vươn ra thế giới. Như cây sâm, Hàn Quốc đã có các sản phẩm chế biến sâu, không chỉ để làm thuốc mà còn vô số loại thực phẩm chức năng, hóa mỹ phẩm, trong khi ở ta thì sâm Ngọc Linh mới quảng bá chủ yếu về sản phẩm củ hay là vài thứ rượu sâm. Qua cuộc tọa đàm về cây sâm và dược liệu vừa được Báo Quảng Nam cùng UBND huyện Nam Trà My tổ chức, cho thấy còn nhiều nỗi lo về thiếu hụt trầm trọng nguồn giống, về đầu tư công nghệ chế biến dược liệu, về sự gắn kết giữa doanh nghiệp với địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu... Vì vậy, muốn xây dựng một nền nông nghiệp dược liệu và thực phẩm để có sản phẩm công nghiệp dược liệu hay hóa mỹ phẩm, nói như TS. Vũ Ngọc Hoàng thì Nhà nước cần tích cực tạo điều kiện môi trường đầu tư thuận lợi, và doanh nghiệp phải làm nòng cốt, đầu tàu; doanh nghiệp phải dựa vào dân, giúp dân, nhờ dân mới có được vùng nguyên liệu bền vững. Chúng ta cũng từng biết, tại một hội nghị về phát triển ngành dược liệu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định quan điểm cần phải tổ chức lại ngành dược liệu trong tất cả các khâu,  trong đó đặc biệt chú ý tới khâu sản xuất, chế biến, sử dụng, kết hợp y dược cổ truyền với y dược hiện đại. Với riêng cây sâm, không chỉ là sản phẩm quốc gia mà là “quốc bảo”, cần có tầm nhìn chiến lược xây dựng thương hiệu với đẳng cấp quốc tế.  

Khó ai có thể phủ nhận rằng giá trị kinh tế đem lại từ cây dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác (gấp gần 10 lần trồng lúa). Vậy mà ta chưa xây dựng ngành công nghiệp dược liệu mạnh như Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc... quả là rất đáng tiếc. Đã thế, ta lại chưa chú trọng nuôi trồng, để “chảy máu dược liệu” ra bên ngoài,  như một doanh nhân kinh doanh thảo dược đi dự hội chợ dược liệu của Ấn Độ, kể lại đã gặp nhiều dược phẩm Trung Quốc được bào chế từ nguyên liệu Việt Nam và chợ trời dược liệu Ấn bày bán đầy thảo dược của ta ở dạng thô. Oái ăm hơn, sống trên “đống cây thuốc” mà Việt Nam chưa tận dụng được lợi thế tiềm năng và lại hàng năm nhập khẩu đến 70 - 80% loại dược liệu .

Từ bóng đá, củ sâm hay cây dược liệu, việc xây dựng thương hiệu quốc gia đều cần tư duy chiến lược sáng tạo và cả cảm xúc khao khát mạnh mẽ.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM