Khi người Hàn trở lại
Nói người Hàn trở lại là nhắc về dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại.
Quá khứ là ký ức buồn với những năm chiến tranh đau thương vì bom đạn. Sự tham chiến của quân Đại Hàn vào miền Nam Việt Nam, và những thảm cảnh kinh hoàng trên dải đất miền Trung, là đoạn lịch sử khắc ghi từ những năm 60 thế kỷ trước.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, hai dân tộc Việt - Hàn đã cố hàn gắn vết thương quá khứ, khép lại trang sử buồn để mở ra những chương mới về tình hữu nghị, hợp tác và phát triển vì sự thịnh vượng chung. Và những nụ cười đã nở với những người trở lại chiến trường xưa.
Nụ cười hay những nét biến hóa trên những mặt nạ Andong cùng điệu múa cổ truyền đã đến, làm rộn ràng ở phố cổ Hội An.
Nụ cười của phu nhân tổng thống Hàn Quốc - bà Kim Jung-sook, ở Làng bích họa Tam Thanh (Tam Kỳ) như đọng lại, tươi mãi trên các trang báo.
Rồi tuần này, sự kiện “Ngày Hàn Quốc tại Quảng Nam” nhằm chào mừng kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc (22.12.1992 -22.12.2017) và Năm Giao lưu văn hóa ASEAN - Hàn Quốc 2017 đã được tổ chức. Ngày Hàn Quốc tại Quảng Nam có các hoạt động nổi bật như khai mạc triển lãm, trưng bày hình ảnh giới thiệu đất nước, con người Hàn Quốc, cùng đất và người Quảng Nam; Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn Quảng Nam và phong trào “Làng mới của Hàn Quốc”; chương trình “Gặp gỡ các nhà đầu tư Hàn Quốc năm 2017”; tham quan các công trình tiêu biểu do Hàn Quốc tài trợ như Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Làng Hòa Bình tại huyện Phú Ninh… Tại thủ phủ Tam Kỳ cũng diễn ra tuần lễ phim Hàn, thu hút giới trẻ quan tâm về văn hóa và nghệ thuật của nước bạn.
Mối quan hệ hữu nghị và hợp tác trên tầm cấp quốc gia thì rất nhiều. Riêng cấp tỉnh, Quảng Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với 3 thành phố của Hàn Quốc, gồm: Osan (tỉnh Gyeonggi), Yongin (tỉnh Gyeonggi) và Gwangyang (tỉnh Jeonnam). Sâu rộng hơn nữa là một số đơn vị, địa phương của Quảng Nam cũng đã thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương ở Hàn Quốc như TP.Tam Kỳ với quận Dalseo (thành phố Daegu), Nam Trà My với huyện Hamyang (tỉnh Gyeongnam), phường Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn) với phường Namchon (thành phố Osan)… Hay mới đây, Trung tâm VH-TT Hội An và IMACO (Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập mối quan hệ hữu nghị hợp tác và giao lưu văn hóa.
Văn hóa, nghệ thuật là sứ giả đầu tiên. Và không chỉ qua giao lưu trong các kỳ lễ hội, mà còn xúc tiến về phát triển du lịch. Vài năm trở lại đây khách Hàn Quốc đến Quảng Nam luôn có tốc độ tăng trưởng cao. Nếu năm 2010 chỉ có hơn 3.800 lượt khách du lịch Hàn Quốc đến Quảng Nam (chiếm 0,81% trong cơ cấu khách quốc tế toàn tỉnh) thì đến năm 2016 đã tăng lên hơn 85,6 nghìn lượt (chiếm 8,56% cơ cấu khách quốc tế toàn tỉnh) và từ đầu năm 2017 đến nay đón khoảng 200 nghìn lượt khách (trong khi cả nước đón khoảng 2 triệu lượt khách Hàn).
Người Hàn đã trở lại, không chỉ du lịch mà còn tính chuyện làm ăn lâu dài. Điển hình như ở Tam Kỳ đã có nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc khảo sát đầu tư, trong đó Tập đoàn Dệt may Panko đầu tư dự án vào Khu công nghiệp Tam Thăng với nguồn vốn hơn 30 triệu USD; Công ty Shinchang Hàn Quốc đầu tư nhà máy sản xuất thiết bị y tế với nguồn vốn hơn 10 triệu USD. Phía Hàn Quốc cũng đã hỗ trợ cho Tam Kỳ xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ xã Tam Thăng vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo để nuôi bò giống sinh sản hay dự án “Cải tạo vườn tạp” ở xã Tam Ngọc. Thông qua tổ chức Làng Hoa Sen quốc tế, phía Hàn Quốc đã tài trợ hơn 5.000 suất học bổng tiếp sức đến trường cho học sinh Tam Kỳ với tổng trị giá hơn 2,8 tỷ đồng từ năm 2005 đến nay. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng tài trợ xây dựng Khu phức hợp phúc lợi giáo dục trị giá 4 triệu USD tại phường An Phú, trong đó có Trung tâm Ngoại ngữ Sejong, Trường Mẫu giáo Duksan...
Khó có thể kể hết những dự án, chương trình hợp tác. Chỉ biết rằng, như một thương hiệu ô tô hợp tác từ phía Hàn Quốc với Thaco, từ Chu Lai đến mọi miền, hình ảnh xe KIA đã trở nên quen thuộc trên những nẻo đường. Cần có thêm những con đường đầu tư như thế nữa, làm nên những chiếc xe, chiếc điện thoại, chiếc áo, đến mỹ phẩm, thực phẩm... ghi dấu sự hợp tác Việt - Hàn.
Có gì chung giữa chiếc mặt nạ Andong (Hàn Quốc) và vẻ mặt tuồng của miền Trung, xứ Quảng? Hẳn đều biểu hiện cảm xúc con người và hy vọng xua đuổi những linh hồn xấu, nguyện ước mang lại điều may mắn.
Có gì chung giữa chiếc nón của người Hàn và người Việt? Hẳn đều để tôn vinh vẻ đẹp Á Đông.
Bắt đầu từ điểm chung sẽ đi đến những nụ cười thắm tình hữu nghị khi người Hàn trở lại.
ĐĂNG QUANG