Chữ An, động và tĩnh
Đầu năm 2017, nhiều người đi xin chữ “An” về treo trong nhà. Có lẽ đó là dự cảm cho một năm bộn bề khó khăn, nhiều biến động, nên cầu mọi sự cho an bình. Khi những tờ lịch cuối cùng của 2017 sắp rơi xuống, có thể nhìn lại, suy xét nhiều chữ “An” trong thế động và tĩnh.
“An cư” là câu chuyện đáng quan tâm nhất sau những thiên tai dồn dập. Trên cả ba miền đất nước, bão lụt, sạt lở, lũ quét, triều cường... gây ra nhiều thiệt hại cho đồng bào.
Nhà cửa, đường sá, những phương tiện mưu sinh... bị hư hỏng nặng nề hoặc mất mát, khiến cho nhiều nỗi bất an chồng chất. Vùng tây bắc rồi đến vùng tây Quảng Nam, bao nhà cửa của nhân dân bị vùi lấp, nhiều ngôi làng phải di dân tránh sạt lở núi, đang đặt ra những vấn đề nan giải về “an cư” trong khi tết nhứt sắp đến rồi.
Lo việc ở chưa ổn đến việc đi lại cũng còn nhiều sự bất an. Tới thời điểm này, cả nước đã có khoảng 7 ngàn người thiệt mạng và 12 ngàn người bị thương tật suốt đời vì tai nạn giao thông, chứng tỏ an toàn giao thông luôn là chuyện cảnh báo nóng bỏng. Đi lại cũng nổi cộm lên việc thu phí đường bộ với các trạm BOT. Từ trạm Bến Thủy (Nghệ An), người dân mất 4 tháng ròng rã đầu năm 2017 phản đối thu phí, thì 4 tháng cuối năm lại nảy ra cái trạm BOT Cai Lậy (Tiền Giang). Các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan đùn đẩy để đến nỗi Thủ tướng Chính phủ phải ra tay mới tạm yên. Mà đã yên được chưa bởi sau Cai Lậy thì nảy Ninh An (Khánh Hòa) và mới đây khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp xúc cử tri thì người dân và doanh nghiệp tiếp tục kiến nghị xử lý trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp? Tại sao Bình Dương muốn doanh nghiệp an tâm đầu tư thì mua trạm BOT An Phú và xóa bỏ trong khi nhiều địa phương chưa làm được? Rõ ràng, chủ trương đầu tư hạ tầng giao thông bằng BOT là đúng nhưng có quá nhiều vấn đề khuất tất trong đầu tư và chọn chỗ đặt trạm thu phí khiến dân bức xúc, rồi dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự. Muốn thực sự an yên thì phải tiếp tục thanh tra, kiểm toán, xử lý triệt để những biểu hiện “lợi ích nhóm” trong đầu tư các trạm BOT.
“An sinh” là vấn đề quan tâm kế tiếp khi nổi lên các câu chuyện về đời sống xã hội. Giọt nước mắt của giáo viên về hưu nhận chỉ hơn 1,3 triệu đồng/tháng; nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm vẫn treo trên đầu; ô nhiễm môi trường có thể xảy ra bất cứ đâu; bệnh ung thư vẫn “dẫn đầu” số người tử vong (khoảng 94 ngàn người/năm) trong khi thuốc chống ung thư bị làm giả; công nhân và người thu nhập thấp nhiều nơi vẫn sống thiếu thốn, thiếu trường mầm non cho con trẻ; hàng hóa bán lẻ và thực phẩm vẫn chưa kiểm soát được vệ sinh an toàn... Để tháo gỡ những khó khăn đó, chính sách an sinh xã hội cần phải được tiếp tục ưu tiên đầu tư dài hạn dù giới hạn an toàn nợ công đã tới ngưỡng. Con đường tăng trưởng không thể đánh đổi bằng mọi giá, và cũng không chỉ tính đếm bằng GDP mà nên chuyển qua đánh giá bằng chất lượng cuộc sống, thu nhập của người dân, thì mới thực sự tạo được an sinh xã hội bền vững. Nói khác đi, phải tìm cách tăng trưởng vì con người chứ không phải hy sinh con người cho tăng trưởng.
Có quá nhiều chữ “An” phải nghĩ đến. Từ An cư, An toàn, An ninh, An sinh, rồi đến An nhiên, An lành, An bình, An khang, An hòa, An bang, An vị... Có lúc phải tĩnh (ổn định) trước khi chuyển động (an cư mới lạc nghiệp). Có lúc phải động (thay đổi, biến đổi) mới tĩnh được (khởi nghiệp sáng tạo để an bang, an khang). Và, điều lớn lao là làm thế nào cho An dân, An quốc là mục tiêu bao trùm, dân có yên thì nước mới yên, lòng dân có an thì mọi sự mới thành.
Từ xưa đã có Đàn Nam Giao xây lên trên đất làng Trường An (TP. Huế) để mỗi năm làm chỗ tế cáo trời đất, nguyện cầu cho “quốc thái dân an”. Rồi ông cha ta mở đất lập làng thường lấy chữ “An” làm địa danh định vị khát vọng muôn đời (ở xứ Quảng còn lưu nhiều tên đất, tên làng mang chữ “An” như thế). Vậy nên, có lẽ không chỉ một năm 2017, hay hoạch định kế sách cho năm tới, cho một giai đoạn, mà những chữ “An” cũng đều phải được tính đến trong bất cứ chiến lược nào trên con đường phát triển vì mục tiêu “an dân định quốc”, dân cường nước thịnh.
NGUYỄN ĐIỆN NAM