Mơ về vườn cổ tích
Một tuần trôi qua với bao nỗi hoang mang, lo sợ, đau đớn trước những thông tin đăng tải liên tục về bạo lực đối với trẻ em ở nhiều nơi. Clip của báo Tuổi Trẻ ghi nhận được ở nhóm trẻ Mầm Xanh, các cô giáo với đủ mọi thứ sẵn có, tiện tay vụt vào đầu, thân của các em; nghi can bà nội giết cháu 20 ngày tuổi; nghi can cha ruột và dì ghẻ bạo hành con gái 7 tuổi; bảo mẫu đánh, tát, ném đứa bé chưa đầy 2 tháng tuổi; bảo vệ tổ dân phố sát hại đứa bé 6 tuổi… Trẻ bị đánh đập, sát hại thật tàn nhẫn. Và mỗi ngày, những đứa trẻ đâu đó vẫn tiếp tục bị bạo hành. Nhiều người giận dữ. Dường như chúng ta bất lực. Nhưng khi mọi thứ trở nên bất lực trước nạn bạo hành trẻ em, liệu chúng ta có vô can? Nhiều người chép miệng “may không phải là con mình!” hoặc “nếu là con mình, những kẻ đối xử tàn ác với trẻ sẽ không sống nổi rồi...”. Đó là phản xạ có điều kiện và tức thời, khiến người ta không nghĩ rằng chính họ phải góp sức cho hành động nào đó để bảo vệ những đứa trẻ, không chỉ riêng con mình. Ngoài cơn giận dữ, đau đớn, các bà mẹ có con bị bạo hành sẽ phải làm gì và làm được gì?
Đã có hành lang pháp lý để bảo vệ trẻ, như Luật Trẻ em 2016 của Việt Nam (có hiệu lực từ 1.6.2017), nêu rõ: “Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển” (Điều 12 - Quyền sống). Tuy nhiên, so chiếu với những gì xảy ra khiến dư luận phẫn nộ trong tuần qua, rõ ràng trẻ em chưa được cha mẹ, xã hội, chính quyền bảo vệ một cách thích đáng. Lỗi thuộc về ai? Gia đình hay chính quyền? Những đề xuất mang tính cấp thời, chỉ giải quyết phần ngọn vấn đề như lắp đặt camera tất cả nơi trông giữ trẻ, tìm cách hạn chế bạo lực trẻ em, Tháng hành động vì trẻ em... lại được đưa ra.
Cách đây không lâu, Bộ GD&ĐT sẵn sàng dự thảo đề án chi 12.000 tỷ đồng đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ nhưng lại không hoặc chưa sẵn sàng dự thảo một đề án mạnh tay đầu tư cho hệ thống giáo dục mầm non. Điều đó khiến dư luận dễ dàng liên hệ và chỉ trích.
Nếu người lớn bớt đi một chút ham muốn lao đi tìm kiếm tiền bạc, danh vọng, để lo cho con trẻ, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non thì đâu nên nỗi. Và việc đầu tư nữa, từ cái hiện hữu trước mắt, nhỏ nhoi như dành lấy khoảnh đất làm công viên, khu vui chơi cho trẻ đến những điều lớn lao hơn như quyền được biểu đạt những gì cần biểu đạt. Hãy dành khoảng trống hạnh phúc ấy cho trẻ. Người lớn vẫn mỗi ngày giành hết không gian của trẻ, thì luật pháp nào điều chỉnh cho xuể? Thanh âm từ tiếng kêu la lúc bị bạo hành hay âm vọng từ ác mộng trong giấc ngủ của trẻ chỉ khiến người ta cuồng nộ trong chốc lát, rồi thôi, thì sẽ thay đổi được gì?
Khi thấy con mình đó, hằng ngày phải đối diện với bao nhiêu nguy cơ mất an toàn: tai nạn xe cộ, thức ăn bẩn, không khí ô nhiễm, tội phạm buôn người... tôi từng mơ có một nơi như “vườn cổ tích” cho các con bé bỏng của mình được hấp thụ mọi thứ tốt đẹp nhất, được hít thở những thứ hoàn hảo mà bất cứ đứa trẻ nào cũng cần có để lớn lên, khỏe mạnh. Từ môi trường sống, chăm sóc sức khỏe, học tập, thức ăn uống hằng ngày đảm bảo an toàn, cho đến những thứ khác lớn lao hơn. Nhưng rồi, tôi biết khó có một nơi như thế. Vì, không chỉ ở Việt Nam, khắp nơi trên hành tinh, chỗ nào cũng có trẻ em bị bạo hành. Năm 2014, Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) dựa trên thống kê của 190 nước thành viên từng đưa ra con số đau lòng: Khoảng 60% trẻ em thế giới (tương đương 1 tỷ trẻ em) đang phải chịu sự trừng phạt như là một hình thức kỷ luật của người chăm sóc như cha mẹ, người nuôi dưỡng, người thân, giáo viên..., trong đó 1/3 em đã từng bị đánh bằng các vật dụng khác nhau. Đó là thực tế đau đớn.
Điều quan trọng hơn, tôi nghĩ nhiều đến “khuyết tật quê hương” trong lòng các con nếu lớn lên ở một chốn xa lạ nào đó; tôi rùng mình hình dung trong giấc ngủ các con sẽ nói mớ bằng tiếng mẹ đẻ. Nên, khi những đứa trẻ vẫn sống giữa quê hương, lớn lên rồi trưởng thành ở nơi này, mỗi ngày lại thêm động lực và sức mạnh cho tôi, cho những người lớn cải thiện, xây dựng môi trường sống của các con thành vườn cổ tích. Đó không thể chỉ là giấc mơ!
PHAN HOÀNG