Thằng bán tơ

NGUYỄN ĐIỆN NAM 05/11/2017 06:44

Vụ lùm xùm “treo lụa Ta bán lụa Tàu” của Khai Silk đang chuyển cho cảnh sát điều tra, chưa biết sự thể đến đâu nhưng chợt nhớ cái “thằng bán tơ” trong Truyện Kiều.

Thằng bán tơ chỉ xuất hiện một lần, trong một câu thơ (Phải tên xưng xuất là thằng bán tơ), sau đó bặt vô tăm tích suốt 3.254 câu Kiều mà không thấy đại thi hào Nguyễn Du nhắc lại nữa. Lạ thật, cái thằng là nguyên cớ gây nên khổ nạn của đời Kiều, vì lời vu oan giá họa của hắn mà cả nhà bị tai bay vạ gió, rồi Kiều phải bán mình chuộc cha, trải 15 năm lưu lạc. Thằng ấy, không biết từ đâu tới và đi về đâu.

Lạ nữa, khi Thúy Kiều thi ân báo oán (lúc trở thành phu nhân tướng quân Từ Hải), cũng không thấy nàng cho truy bắt để hỏi tội thằng bán tơ cả. Vì sao thằng bán tơ “lọt sổ” cuộc báo oán của Kiều? Không có lời giải thích nào trọn vẹn cả mà chỉ có suy đoán. Dường như cụ Nguyễn Du để lại cho đời một lai lịch vô định của con buôn quen thói xỏ lá, kẻ tung tin đồn thất thiệt vốn nặc danh trên thương trường? Hay đó là kẻ không có tên thật nhưng có thực, đại diện cho phường bịp bợm giả trá?

Kẻ bịp bợm thời nào chẳng có. Chuyện tráo hàng, cắt nhãn Tàu gắn nhãn ta trên khăn lụa của Khai Silk cũng là một kiểu bịp mà phải mất mấy chục năm nay mới tình cờ phát hiện ra. Chửi vung lên một hồi rồi giựt mình, nào có phải chỉ mỗi “thằng bán tơ” trong vải vóc, mà còn nhiều thứ khác chưa bị lộ. Đã có nhiều cảnh báo từ nông sản thực phẩm nhập bên Tàu về xứ ta rồi gắn mác đủ loại, từ khoai tây Đà Lạt, tỏi Lý Sơn, các loại thịt gà, vịt, heo, bò... Và có nhiều hàng hóa mỹ phẩm, đồ điện tử cũng nhập từ Thái, Hàn, Tàu... nhập nhằng nhãn mác, làm hoa mắt người tiêu dùng.

Cũng khoan vội trách người. Hàng hóa họ nhiều, rẻ, nên nhiều kẻ ham. Hàng của ta thì ít, không chú ý xây dựng thương hiệu, sản xuất nhỏ lẻ nên bị lấn sân trên thị trường. Lại thêm thói làm hàng giả đã có từ lâu, vẫn bịp người tiêu dùng dài dài. Nói về cái thói này, có lẽ nên cùng nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn đọc lại một số báo Thời vụ, phát hành năm 1938, thấy nhà văn Ngô Tất Tố (tác giả Tắt đèn) đã viết: “Có lẽ trong các thực đơn của thế giới, không đâu có nhiều món giả bằng nước An Nam. Cũng thì một miếng thịt, người ta bầy ra đủ trò: nấu với tiết gọi là giả trâu, nấu với riềng mẻ gọi là giả cầy, nấu với hành răm gọi là giả chim, nấu với đậu nghệ gọi là giả ba ba, đốt đi rồi bóp với thính đỗ tương thì lại bảo là giả dê. Đồ ăn là thứ sẽ ăn vào miệng, hễ qua hàm răng thì nó là lợn hay trâu, hay gì gì nữa, cái lưỡi sẽ biết tức thì, thế mà chúng ta cứ làm giả, thì có khác chi xúi giục nhau rằng: trên đời không có cái gì mà không giả được? Cái nạn nhiều hạng người giả cũng từ đấy mà ra”. Cũng theo ông Vương Trí Nhàn, nhà văn Triệu Bôn cảm thán với ông về nạn làm hàng giả: “Tôi đã thấy những tờ giấy báo để nguyên đặt giữa xếp tiền âm phủ người ta bán cho mẹ Hằng nhà tôi về đốt ngày giỗ. Tức là có hàng giả của hàng giả. Thế thì ông tính còn cái gì người ta không tính chuyện bịp nữa”. Thời nay, chuyện làm hàng giả tăng mức độ khủng khiếp, như vụ thuốc ung thư giả liên quan đến sinh mạng con người mà có kẻ dám làm, dám buôn bán.

Hàng giả đã kinh. Người giả còn đáng sợ. Không thiếu người từng được coi là doanh nhân thành đạt dạy người ta về cách làm giàu chân chính, trung thực, rốt cuộc lại là kẻ bịp. Nhan sắc cũng sửa ra giả mà dám thi hoa hậu. Quan chức học hành lôm côm dùng bằng cấp giả lấp liếm. Đạo đức giả là thứ hàng dễ “buôn dưa lê” nhất làm hư nát quan hệ xã hội.

Cho hay sự vô định, vô danh của “thằng bán tơ” trong đời khiến ta cần phải luôn cảnh giác với thói bịp bợm, giả trá. Và ở góc độ quản trị xã hội, cần siết chặt những chế tài răn đe đủ mạnh mới hạn chế được sự phát tán của thói xấu ấy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM