Cây tre trăm đốt

NGUYỄN ĐIỆN NAM 29/10/2017 06:51

Rất nhiều người Việt rành câu chuyện “Cây tre trăm đốt”. Đây có lẽ là phép... ảo thuật xa xưa. Theo đó, nếu ai biết câu thần chú “khắc nhập, khắc xuất” thì có thể lắp ghép hay tháo rời cả trăm đốt tre trong chớp mắt.

Bây giờ thử bàn chuyện liên quan đến nhiều người, đó là việc tách nhập trong xã hội ta. Chúng ta đã từng chứng kiến việc nhập rồi tách các tỉnh, huyện. Lại đã thấy việc tách rồi nhập các cơ quan quản lý. Hiện nay thì đang bàn về chủ trương nhất thể hóa chức danh lãnh đạo cơ quan Đảng và Nhà nước, sáp nhập các cơ quan Đảng và Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Mỗi khi có chuyện tách hay nhập đều nảy sinh tâm tư, đều dậy lên những cuộc tranh luận.

Có ý kiến băn khoăn rằng nhất thể hóa (như chức danh bí thư và chủ tịch) sẽ khó kiểm soát quyền lực, vì giao quá nhiều trọng trách vào một người mà nếu thiếu tài năng và đạo đức sẽ nguy hiểm. Đề xuất nhập tất cả văn phòng các ban Đảng vào một, nhập dân vận và mặt trận, tổ chức và nội vụ, tuyên giáo và thông tin truyền thông, ủy ban kiểm tra và thanh tra v.v. cũng có ý kiến bàn ra bàn vào. Một trong những luồng ý kiến đáng quan tâm là phương thức hoạt động của bộ máy Đảng khác với bộ máy chính quyền. Chi phối tổ chức và hoạt động của bộ máy Đảng trước hết là điều lệ, quy chế, quy tắc do Đảng ban hành; nguyên tắc hoạt động cơ bản là thảo luận tập thể, biểu quyết theo đa số. Trong khi đó, chi phối tổ chức và hoạt động của bộ máy chính quyền là pháp luật, với rất nhiều thủ tục hành chính cho nội bộ cơ quan hành chính và cho người dân, điều hành theo cơ chế thủ trưởng lãnh đạo. Do vậy muốn nhập các cơ quan nói trên thì vấn đề mấu chốt là phải phân định chính xác chức năng, nhiệm vụ của bộ máy Đảng và bộ máy chính quyền. Nói như vậy đây là chuyện lớn, không thể hô “khắc nhập” là trong chớp mắt sẽ nhập ngay.

Thực ra, chủ trương tinh gọn bộ máy và tinh giản biên chế đã manh nha từ 2008 - 2009, nhưng lực tác động gần mười năm qua chưa đủ mạnh nên thực tế không giảm được đầu mối mà còn phình to bộ máy, kéo theo số lượng người ăn lương tăng, số lãnh đạo tăng, cải cách hành chính quá chậm. Hiện cả nước có gần 11 triệu người hưởng lương và 2,5 triệu cán bộ công chức (bằng với Mỹ, trong khi dân số họ hơn gấp ba lần nước ta). Báo cáo giám sát mới đây của Quốc hội về việc thực hiện cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước giai đoạn 2011 – 2016 cho thấy số lượng người giữ vị trí lãnh đạo từ cấp phòng trở lên là quá lớn, mất cân đối trong tỷ lệ lãnh đạo và công chức. Cụ thể, so sánh thời điểm năm 2011 với tháng 12.2016, tại các tổng cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, số công chức giữ vị trí quản lý từ cấp phòng trở lên tăng từ 12.216 lên 13.556, tỷ lệ từ 1/6 lên 1/5 (cứ 5 công chức có 1 lãnh đạo). Tương tự, ở các vụ, cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tăng từ 3.871 lên 4.619, tỷ lệ từ 1/2 lên 4/7 (tức cứ 7 công chức bình thường lại có 4 người lãnh đạo). Số biên chế cũng tăng vượt quy định ở 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ; 11 tỉnh, thành phố cũng có 7.951 biên chế công chức sử dụng vượt quy định (vượt 5%).

Quả thực “cây tre biên chế” đã biến ra thêm quá nhiều đốt, khiến bộ máy thêm cồng kềnh, nặng nề!

Soi rọi vào thực tế đời sống, việc nhập một số cơ quan Đảng và Nhà nước, đồng thời tinh giản bộ máy biên chế là một đòi hỏi dễ nhận được sự đồng thuận trong giới nghiên cứu và quan trọng là số đông dân chúng. Như nhiều ý kiến cho rằng “nhất thể hóa” sẽ giảm được gánh nặng biên chế, tránh chồng chéo chức năng, tăng thêm được sức mạnh của bộ máy theo hướng thống nhất đầu mối điều hành nhanh gọn hiệu quả. Thực tế cũng đã có minh chứng thành công với Quảng Ninh khi thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy biên chế”. Qua đó, đã thí điểm ở cấp huyện việc sáp nhập một số cơ quan Đảng với chính quyền (8 cơ quan nhập lại thành 4 cơ quan), nhất thể hóa bí thư với chủ tịch HĐND hoặc UBND huyện. Thực hiện đề án đã tinh giảm 15% biên chế so với định mức; nhóm liên quan đến biên chế của các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa giảm 10%. Về ngân sách tiết kiệm chi lương và phụ cấp khoảng 300 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, còn tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng từ cơ sở vật chất do sáp nhập các tổ chức và từ việc thôi đầu tư cho những tổ chức không thành lập nữa.

Như vậy cũng có nơi tre trăm đốt thu gọn lại nhiều lóng!

Vì sao Quảng Ninh đã làm được mà nhiều tỉnh thành từng băn khoăn kêu khó? Nay thì Hội nghị Trung ương 6 vừa qua đã bàn và mở ra định hướng mới, cho chủ trương tổ chức thí điểm mô hình mới về tổ chức bộ máy. Đây có thể xem là “chìa khóa” để địa phương nào thực sự dám nghĩ, dám làm, có quyết tâm cao sẽ tìm được cách làm phù hợp. Vấn đề cốt lõi là tìm ra giải pháp tối ưu để vác “cây tre bộ máy” linh hoạt, nhẹ nhàng đi qua mớ bùng nhùng thủ tục “lắm ngách nhiều cửa”, nhằm mau dựng xây đất nước đẹp giàu.

Đến đây, ta thấy không nhờ phép lạ, câu thần chú nào cả mà việc tách hay nhập các cơ quan trong bộ máy quản trị xã hội là do tư duy, ý chí của con người. “Cây tre biên chế” không thể khắc nhập, khắc xuất tùy tiện, vô lối mà phải từ tác động của nhu cầu quản lý đời sống kinh tế - xã hội, dựa trên cân đối chi tiêu từ đồng thuế của dân.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM