Lựa chọn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 14/10/2017 08:00

Bạn lựa chọn gắn bó với cơ quan mà mình đã có hơn mười năm công tác, hay sẽ ra đi? Không có môi trường nào tốt nhất cho bạn cả, chỉ có nơi nào bạn tìm thấy chính mình.

Bạn sẽ lên đường đến gặp người yêu bằng taxi như Uber, Grab, hay chọn các hãng xe quen? Không, thường bạn sẽ chọn hãng xe nào vừa nhanh, tiện, giá rẻ, trừ trường hợp bất khả kháng...

Bạn sẽ chọn làm quan khi phải nấp dưới ô dù của cha mẹ, các vị tiền bối, hay sẽ tự mình khẳng định mình?

Đời thường hơn, bạn ra chợ và chọn lựa mua thứ gì mình thích và vừa túi tiền của mình.

Và bên thềm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10), bạn cũng tự hỏi con đường mình chọn cách làm ra lợi nhuận có đúng chưa, khởi nghiệp - sáng tạo bằng cách gì trong mênh mông hồ bể những câu chuyện mà nhiều người muốn hướng tới là làm giàu?

Rõ ràng, cuộc sống là sự chọn lựa. Nói như Terri Guillemets: “Cái tên thật sự của Cuộc đời là Lựa chọn” (Life’s real name is Choices).

Gần đây, biết bao nhiêu sự việc, sự kiện khiến nhiều người nghĩ về sự lựa chọn.

Một số “ đồng chí trẻ”, sau những cuộc đánh bóng tên tuổi đã phải nhận kỷ luật, ra đi.

Một số dự án đầu tư, người ta bàn chuyện vì sao không đấu thầu mà chỉ định thầu, để xảy ra “cuộc chiến tiền lẻ” như với các trạm thu phí giao thông BOT.

Nhân chuyện hợp tác công - tư cũng bàn về việc lần đầu tiên Quảng Nam tổ chức diễn đàn về PPP trong tuần qua. Tại đây, có một khao khát được bộc bạch, rằng Quảng Nam xây dựng khoảng 41 dự án để triển khai từ nay đến năm 2020, với tổng mức đầu tư khoảng 155 nghìn tỷ đồng, trong đó sẽ  chủ yếu kêu gọi nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân chứ ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng vài mươi phần trăm. Nhưng điều quan trọng rốt cuộc là doanh nghiệp có lựa chọn đầu tư theo phương thức đó không? Cũng nên biết rằng, theo các nhà nghiên cứu kinh tế học, “Kinh tế học là môn học của sự lựa chọn”. Vì rằng, kinh tế học cơ bản nghiên cứu về những lựa chọn của con người trong cuộc sống. Mục tiêu của kinh tế học là phân tích các sự lựa chọn và chỉ ra lựa chọn tối ưu; giả định đầu tiên và quan trọng nhất của bộ môn này là hành vi tối ưu hóa của các cá nhân. Thế nào là tối ưu hóa? Hiểu nôm na khi cá nhân quyết định một chuyện gì đó phải mang lại cho họ lợi ích tối ưu, tùy thuộc vào lợi ích nào mà họ chọn. Với một nhà đầu tư hay một công ty, thì lợi ích đó có thể là lợi ích về tiền bạc, lợi nhuận trong khi đối với một chính trị gia, lợi ích đó có thể là lợi ích về mặt phiếu bầu hay ủng hộ của dân chúng; đối với nhà nước  thì đó có thể là sự no ấm của cộng đồng trong quốc gia. Làm thế nào để sự lựa chọn này mang lại lợi ích, giá trị tối ưu hơn lựa chọn khác, đó là câu chuyện không thuần là kinh tế học mà còn quan hệ với tâm lý học. Con người có nhiều thứ “hám”, như hám lợi, hám danh, nhưng lựa chọn như thế nào để đạt được danh lợi vẹn toàn thì không dễ.

Cách thế nào để lựa chọn chính xác? Không có mẫu số chung. Người ta chỉ biết rằng sự lựa chọn thường dựa trên ba yếu tố là năng lực trí tuệ, giá trị và tầm nhìn.

Năng lực trí tuệ thì đã rõ, cứ vác ngang cây tre vào cổng  thì không có sự lựa chọn nào khác hơn là té ngã. Vấn đề giá trị thì lại đặt ra nhiều suy tư, là vật chất hay tinh thần, là cộng đồng hay cá nhân... Thông thường, với cá nhân, những gì người ta xem là quan trọng, thiết yếu, sống còn đối với mình, là những gì họ có thể sẵn sàng đánh đổi tự do, an toàn, sự no ấm của mình để bảo vệ nó, đó chính là giá trị. Mỗi cá nhân có thể có những giá trị giống nhau và khác nhau, vì rằng “mỗi số phận chứa một phần lịch sử/ mỗi số phận rất riêng dù rất nhỏ” (Raxun Gamzatov).  Giá trị  là hệ thống thang bậc đa dạng thể hiện thứ tự ưu tiên của những gì mỗi người coi trọng. Hệ thống giá trị sẽ hướng dẫn chúng ta chọn con đường nào để đạt đến mục tiêu.

Dù có băn khoăn thế nào thì rồi cũng phải lựa chọn. Ở tầm quốc gia, quốc tế, sự lựa chọn cũng diễn ra thường ngày. Ở “tỉnh lẻ” như Quảng Nam, lựa chọn con đường nào phát triển, chọn thế đứng nào, chọn dự án gì... vẫn là câu chuyện luôn mang tính thời sự. Và, ở mỗi cá nhân, trong khi tỉnh đang “khát” nguồn nhân lực mà vẫn có những bác sĩ, kỹ sư giỏi ra đi (dù chấp nhận phải bồi hoàn kinh phí đào tạo, chế độ hỗ trợ thu hút nhân tài), thì đó là sự lựa chọn riêng.

Cho nên, cuối cùng cho mọi thứ vẫn là tạo ra môi trường thuận lợi và sự lựa chọn tối ưu cho mỗi vùng đất hoặc con người. Không thế, rất khó tìm được giá trị đúng cho phát triển.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM