Hư danh, danh hư
Ông bà ta thường nói “mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Ấy là nói cái danh thực không phải ai cũng có, tốn nhiều công sức tiền của mới gầy dựng được, có tiền cũng chưa chắc mua nổi. Bây giờ thì có nhiều cái danh ảo - hư danh mà người ta vẫn bỏ tiền ra mua như thường, hoặc phong tặng vô tội vạ.
Ví như gần là Quảng Nam, thanh tra phát hiện có ông hiệu trưởng một trường cao đẳng nghề thâm dụng ngân sách gần 20 triệu đồng để mua cái danh “Nhà lãnh đạo xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước năm 2014”.
Xa là cả một “rừng” tiến sĩ, thạc sĩ được ghi danh ở Học viện Khoa học Xã hội. Một tờ báo dẫn kết luận của Thanh tra Bộ GD&ĐT cho biết, chỉ trong vòng 3 năm (2015-2017), học viện này chiêu sinh hơn 1.100 tiến sĩ, 4.800 thạc sĩ. Có người tỉ mỉ tính ra bình quân mỗi năm, có tới gần 400 tiến sĩ và 1.600 thạc sĩ, tức là mỗi ngày từ “lò ấp” này “xuất xưởng” hơn 1 tiến sĩ, hơn 4 thạc sĩ. Nói đây là cái lò ấp không chỉ vì số lượng mà còn ở chất lượng “sinh sản vô tính” do có rất nhiều học viên được tuyển sinh không đúng chuyên ngành, rồi đến hội đồng đánh giá cũng không đúng chuyên ngành nốt, không có xác nhận, nhận xét của người hướng dẫn, phản biện...
Có được cái hư danh rồi, chắc chắn tạo danh hư thêm. Nói rõ ra đây là cái danh của sự hư hỏng, đồi bại, thầy học dối thì tạo trò dối. Nguy cơ lớn là làm cho xã hội loạn chuẩn không còn biết đâu thật giả, lẫn lộn bởi danh vị nào cũng có cái giấy chứng nhận “cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai” như cụ Nguyễn Khuyến từng chỉ ra?
Việc chạy đua theo cái hư danh như vậy không chỉ có trong ngành giáo dục mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Chẳng thế mà dư luận ồn ào vì ca sĩ Ngọc Sơn được cái bằng khen của Hội nghệ nhân và thương hiệu Việt Nam tặng với ghi danh “Giáo sư âm nhạc - ca sĩ” (!).
Chuyện oái ăm hơn, có nhiều tên tội phạm cũng chạy mua hư danh để tạo nên vỏ bọc cho mình là doanh nhân, chuyên gia kinh tế, nhà hoạt động xã hội... Điển hình nhất là vụ việc “tú ông” Nguyễn Văn Bình ở Nha Trang, trước khi bị bắt đã từng được tặng Kỷ niệm chương Doanh nhân thành đạt, công ty phát triển bền vững, rồi được trao Bảng vàng Doanh nhân văn hóa thế kỷ 21. Như thế, kẻ giả danh núp nhiều trong cái bóng hư danh. Sự biến hóa của kẻ giả danh cũng thiên hình vạn trạng, không kém Tề Thiên, lúc là Tôn Ngộ Không khi thì Tôn Hành Giả, Hành Giả Tôn, Giả Hành Tôn...
Lại có người có danh thật nhưng do nhân cách và hành động hỏng mà cái danh bị hư, hoen ố. Đó là chuyện bố trí danh vị trong bộ máy quản lý nhà nước. Cách đây 70 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng phê phán “những đồng chí còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được” (Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ viết ngày 1.3.1947). Vậy nhưng đến nay tình trạng “con ông cháu cha” vẫn còn lan rộng. Không hiếm con của cán bộ lãnh đạo được ưu ái đưa đi du học, kiếm cái bằng rồi về được “cơ cấu”, dù không ai rõ là có khả năng gì. Có lãnh đạo trẻ mới được “đôn lên”, quảng bá rầm rộ một thời gian rồi chìm nghỉm. Có người thì tham nhũng, tiêu cực, làm cho danh dự gia đình, dòng tộc bị hoen ố luôn. Con đường làm quan kết hợp làm giàu phi pháp đã dẫn không ít người đến cửa trại giam nhưng còn vô số trường hợp phi tang, tẩu táng. Rõ nhất như Thanh tra Chính phủ vừa cho biết các vụ án, vụ việc tham nhũng năm 2017 gây thiệt hại hơn 1.350 tỷ đồng, nhưng chỉ mới thu hồi, kê biên 158 tỷ đồng, 314.000USD, 4 căn nhà, 1 căn hộ chung cư. Và, lạ nữa, có hơn 1,1 triệu người kê khai tài sản thu nhập năm rồi, nhưng chỉ có 3 trường hợp vi phạm, vậy mà biệt phủ của các “quan” thì báo chí và mạng xã hội phát hiện rất nhiều (?!).
Cái danh, ai cũng cần. Nhưng danh thật, danh thơm thì được tôn vinh, “danh bất hư truyền” tiếng lưu hậu thế. Còn hư danh, danh xấu thì cũng được truyền qua miệng thế gian châm biếm, đả kích. Ai cũng biết thế nhưng sao nhiều người vẫn mua cái hư danh, hoặc làm cho “thân bại danh liệt”?
ĐĂNG QUANG