Xổ số cây trồng
Câu chuyện về giống bí Rubi “bí đường ra” mà Báo Quảng Nam vừa phản ánh là ví dụ thêm về một cuộc thử nghiệm thất bại với cây trồng.
Vì là cuộc thử nghiệm nên rất may khi mới đưa giống bí này vào trồng ở 5 xã thuộc huyện Bắc Trà My, và chỉ mỗi xã Trà Tân là cây còn mọc và cho trái. Nhưng ngay Trà Tân rồi cũng èo uột vì có hộ nông dân làm được hơn cả tấn bí nhưng chỉ lãi khoảng 200 nghìn đồng. Phóng viên Báo Quảng Nam đã mô tả sự so sánh của nông dân, nếu trồng đậu phụng thì ít ra cũng thu được 6-7 triệu đồng/sào, vậy mà trồng bí đã bí thủ, thất thủ luôn.
Phải nói rằng, khoa học ứng dụng trên lĩnh vực trồng trọt đã đạt nhiều thành tựu trong thời gian qua. Nhiều giống cây trồng mới đã được nông dân thử nghiệm, cho năng suất cao, mở ra triển vọng và hy vọng về một cuộc “lột xác”, “đổi đời” từ chính mảnh đất tần tảo nắng mưa này. Tuy nhiên, cũng đã có không ít cuộc thử nghiệm thất bại, dở dang do chạy theo phong trào như một cuộc xổ số ăn may. Như từng có loại mía giống mới tàn theo sự sụp đổ của dự án vùng nguyên liệu mía đường. Cây ớt, cây bông, cây dưa… cũng phập phồng lúc được, lúc mất. Có giống cây “trời ơi đất hỡi” đã được quảng bá, khiến nông dân lao theo để rồi buồn bã nhìn những rừng quế lai, nông trại xoài ghép, điều ghép qua nhiều năm chăm bón chỉ biết… chặt làm củi.
Quảng Nam có nhiều vùng đất rất vật vã với thời tiết khắc nghiệt, luôn trăn trở tìm cách chuyển đổi cây trồng. Như cánh đồng Ga ở Quế Cường, Quế Sơn, từng có nhiều diện tích lúa phải bỏ hoang vì thiếu nước tưới mùa nắng, còn mùa mưa thì ngập úng. Thử nghiệm nhiều loại cây vào đây nhưng vẫn chưa đạt kết quả khả quan. Hay như ở Phú Thọ có 146ha đất lúa từng bỏ hoang vào hè thu vì không có nước tưới. Được chính quyền địa phương vận động, nông dân từng chuyển 55ha sang trồng sắn và 10ha sang canh tác bắp lai, mè. Song, đầu ra của cây sắn còn bấp bênh, dù gần nhà máy tinh bột sắn nhưng giá mua còn thấp.
Vùng đất khó đã vậy, vùng phù sa màu mỡ thì sao? Ở Gò Nổi, Điện Bàn, nhiều cánh đồng hoa màu đã hình thành nhưng đầu ra sản phẩm vẫn là bài toán nan giải. Từng xảy ra chuyện cây ớt, cây dưa hấu ở Điện Phong có mùa tư thương đến giành giật để mua với giá cao, khi xuất khẩu không được thì chẳng ai hỏi tới.
Rõ ràng câu chuyện mà chúng tôi từng đề cập nhiều lần nhưng vẫn còn không ít nơi “đánh bạc may rủi với trời”. Mồ hôi của nông dân vẫn thấm trên đất đai dâu bể và đánh cược phận mình trong cuộc “xổ số cây trồng”. Việc phát triển nông nghiệp, trồng con gì, nuôi con gì còn quẩn quanh, manh tính tự phát, thiếu chiến lược bền vững, là bài toán mà các nhà quản lý lẫn giới khoa học vẫn nợ nông dân.
Nợ, là nghĩa tình với đất đai, với nông dân vẫn nặng nợ.
Nợ, là thử nghiệm nhưng để nông dân mất công trồng rồi phá bỏ.
Nợ, là kỳ vọng công nghiệp hóa nông thôn, đưa tiến bộ khoa học và kỹ thuật vào đồng ruộng còn đầy chướng ngại vật khi ì ạch để chuyển từ tư duy của nền kinh tế hiện vật sang nền kinh tế hướng đến giá trị.
Chính vì cái nợ đó mà còn có những cuộc “xổ số cây trồng” (và cả vật nuôi nữa), để rồi có lúc phải gọi “giải cứu”, hết dưa, ớt, hành tỏi, đến heo gà... Làm kinh tế mà trông chờ lòng từ thiện của người tiêu dùng chứ chưa gắn với thị trường hàng hóa thì sao mà bền vững được.
Chính vì cái nợ đó, nên nếu chưa tìm được lối gì hay ho cho chuyển đổi cây trồng vật nuôi thì cũng không nên vội khuyến khích thái quá những đối tượng lạ. Chẳng hạn, chúng tôi vẫn băn khoăn về việc gần đây thử nghiệm cây mắc ca, một loại cây được cho là thích ứng với biến đổi khí hậu, cây lương thực đặc biệt được du nhập (có hàm lượng dầu cao tới 78% cao hơn đậu (44,8%), nhân điều (47%)...).
Không nghi ngờ gì khát vọng tìm được giống cây trồng giúp cho nông dân đền ơn tri ngộ đất đai bằng hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên cái tâm và mong muốn là một chuyện, khoa học thực nghiệm và làm ăn kinh tế là chuyện khác. Phải có khoa học kỹ thuật và sự hiểu biết thổ nhưỡng, khí hậu, đồng thời phải nắm bắt thị trường thì mới có cơ thành công khi đưa vào đồng đất một đối tượng cây trồng nào phù hợp.
Tái cơ cấu sản xuất, phát triển nông nghiệp bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu và biến động của thị trường, cần đầu tư nhiều mặt. Trước hết, làm sao đừng để “xổ số cây trồng” là câu chuyện cần đặt ra.
NGUYỄN ĐIỆN NAM