Bó lúa
Tuần qua, một sự kiện có ý nghĩa rất lớn ở các nước Đông Nam Á là hoạt động kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Nhiều người lại nhắc đến biểu trưng rất độc đáo của cộng đồng này, đó là bó lúa vàng rực rỡ.
“Bó lúa” này hiện có 10 nhánh - tượng trưng cho 10 quốc gia thành viên của cộng đồng ASEAN, mang bản sắc các nước nông nghiệp, mà sâu xa hơn ta có thể liên tưởng về nền văn minh lúa nước với “con đường lúa gạo”.
“Con đường lúa gạo” được khảo cứu từ vỏ trấu lưu dấu trong những viên gạch mộc trên các đền tháp, từ Ấn Độ, Trung Hoa, Đông Dương…
Nhà khảo cổ học người Nhật - Otabê Tadio, qua cuốn sách “con đường lúa gạo”, đã phác thảo hai ngả đường làm nên chiếc nôi thuần dưỡng cây lúa thời tiền sử. Một đường, với cây lúa canh hạt tròn lớn đi dọc hệ Mê Kông, trong đó có nhánh sông Hồng vào Việt Nam - là con đường cổ nhất. Một đường từ Assam (Đông Ấn) với cây lúa tiên hạt dài đi qua các ngả Óc Eo, hải cảng Phù Nam, Ăng Co, Miến Điện… Lúa tiên vào Đông Dương sau nhưng lại phát triển mạnh, dần lấn át cây lúa canh, trong đó có cây lúa nếp mà người Lào cũng như người Việt đã quen. GS. Phạm Đức Dương, chuyên gia đầu ngành về Đông Nam Á học, cho rằng, “con đường lúa gạo” đi vòng, và không chỉ có một chiều từ Vân Nam, hay vùng sông Trường Giang và Ấn Độ truyền sang mà có thể có chiều ngược lại - với sự truyền bá văn hóa, văn minh lúa nước sau khi đã thuần dưỡng thành công ở châu thổ sông Hồng và Cửu Long, Mê Kông. Cũng theo GS.Phạm Đức Dương, một trong những chiếc nôi cổ xưa thuần dưỡng cây lúa là Đông Nam Á.
Dấu vết của “con đường lúa gạo” rất rõ với Đông Nam Á và Việt Nam. Lấy ví dụ hẹp từ Quảng Nam, nhiều người đã biết lúa gạo có mặt rất lâu đời trong đời sống cư dân nơi đây. Tục cúng xôi nếp vào những kỳ lễ tế là vọng bái, tri ân tiền nhân, tổ tiên đã khai cơ, lập làng, canh điền… vẫn còn duy trì. Đồng bào ở một số vùng núi cũng ăn cơm nếp như người Lào (ăn xôi, thổi khèn, ở nhà sàn). Và, đặc biệt món cơm lam của người Cơ Tu trong các lễ hội đã gợi lên những hương vị khó tả. Nếu nói phạm vi vùng văn hóa lúa nước trùng với văn hóa nước chè thì lúa gạo cũng có một ngả đường rất rộng qua Quảng Nam, vì từ rất lâu đã có những đồi chè (ở Đức Phú, Tiên Phước, Đông Giang…) và người Quảng đã quen dùng chè. Qua ngả đó, cây lúa canh, lúa nếp có thể từ ngã ba Đông Dương, từ miền núi xuống nương nà rồi ra châu thổ Thu Bồn, Vu Gia… Một ngả khác, từ Tây Bắc đầu nguồn sông Hồng về châu thổ Bắc Bộ rồi đi dần về phương Nam theo bước chân của các đoàn quân Đại Việt, từ thời Trần, Hồ, Lê, Nguyễn... Nhưng vùng Quảng hẳn có hạt gạo lúa Chiêm, bởi đây là một trung tâm của vương quốc Chămpa xưa. Cư dân Chàm mang theo hạt gạo theo đường biển tiến vào châu thổ Thu Bồn, và thậm chí sau đó ra Bắc làm thành vụ lúa Chiêm (?). Ngoài ra, nhiều vùng Quảng Nam có những giống lúa xưa như ba trăng, lúa trì (Cá rô, chim mía, lúa trì/ Ai về Điện Thọ thì đi không đành).
Như vậy “con đường lúa gạo” là một đặc trưng bản sắc văn hóa Đông Nam Á; và ở phương diện kinh tế, lúa gạo vẫn là sản phẩm đặc hữu của khu vực này (hiện Thái Lan và Việt Nam đứng đầu bảng xuất khẩu lúa gạo). Các nước Đông Nam Á có mục tiêu tổng quát là hình thành một cộng đồng phát triển trên cả ba trụ cột gồm chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Ba trụ cột này được thể hiện bằng ba chữ P: Hòa bình (Peace), Thịnh vượng (Prosperity) và Con người (People). Cộng đồng ASEAN có tiềm năng thị trường hàng hóa rất lớn với khoảng 630 triệu dân, hiện đứng thứ 6 thế giới với GDP đạt gần 3 nghìn tỷ USD/năm.
Trở lại với biểu trưng/biểu tượng của ASEAN, có thể nói hình ảnh bó lúa cho thấy điểm chung về bản sắc, là chỗ dựa để xây nên sự thống nhất, đoàn kết nội khối mà như Ngoại trưởng đầu tiên của Singapore, ông S. Rajaratnam, đã tuyên bố khi ASEAN được thành lập năm 1967, rằng: “Nếu chúng ta không thống nhất thì chúng ta sẽ bị tiêu diệt từng người một”. Hay như nhà báo Võ Văn Thành cảm nhận: “Mỗi bó lúa khi chín vàng sẽ trĩu xuống, những đợt gió mạnh từ bên ngoài có thể làm cây lúa gãy đổ, nhưng tựa vào nhau các bông lúa sẽ đứng thẳng và mang lại no ấm cho những người vun trồng nó”. Những điều nêu trên, dường như có thể giải mã theo nhiều hướng, nhưng có thể cảm nhận rằng các thế lực gây chia rẽ là một trong những thách thức cho bó lúa - ASEAN, nhất là trong bối cảnh Biển Đông vẫn nóng vì “lưỡi bò” của Trung Quốc liếm đến.
NGUYỄN ĐIỆN NAM