"Cổng thiên đường", éo le!

NGUYỄN ĐIỆN NAM 06/08/2017 06:25

Mấy năm nay, sau mỗi mùa tuyển sinh đại học, thường nghe những câu chuyện buồn.

Như báo đài phản ánh, có những em học sinh không vào được Đại học Y Hà Nội, dù đạt tới 29,15 điểm. Một em tên là N.P H. cho rằng chỉ thiếu 0,05 điểm mà gục ngã trước “cánh cổng thiên đường” là điều quá sức chịu đựng với em. Còn rất nhiều em nữa thốt lên lời chua chát như vậy. Tại TP. Hồ Chí Minh, em V.H.H có tổng điểm thi 3 môn đạt 29,35 điểm (toán 9,6; hóa 9,75; sinh 10) vẫn không được vào Trường Đại học Y Dược dù trường này lấy 29,25 điểm (bằng số điểm làm tròn của em H. nhưng H. vẫn rớt khi xét tiêu chí phụ).

Cả nước có khoảng 1.260 em đăng ký khối B, có điểm đạt từ 29,25 điểm trở lên (tính cả điểm ưu tiên), trong khi tổng chỉ tiêu ngành y đa khoa của 2 trường y nóng nhất là Y Hà Nội và Y Dược TP.Hồ Chí Minh chỉ hơn 800 (đã trừ tuyển thẳng). Như thế, “cổng thiên đường” quá chật, càng éo le để xét tuyển.

Nghiệt ngã hơn là có em, dù thủ khoa với điểm tối đa có thể vẫn rớt nếu đăng ký nguyện vọng vào các trường có điểm chuẩn trúng tuyển tột khung trên 30 điểm (như Học viện An ninh nhân dân 30,5 điểm, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy 30,2 điểm)...  

Điều oái ăm, trong khi có em điểm cao thì rớt, nhưng em điểm thấp lại đậu nhờ được cộng điểm ưu tiên, điểm vùng. Nhiều người đã tỏ ra bức xúc vì điểm cộng ưu tiên cho từng vùng quá nhiều (thậm chí có  em được  cộng gần 6,5 điểm), khiến giữa thí sinh chỉ có điểm thật và có thêm điểm cộng không chênh lệch nhiều nên “cánh cổng vào thiên đường” càng khó chen. Nhiều trường “tốp trên” có điểm chuẩn một số ngành rất cao (28 điểm trở lên) cũng đành phải chấp nhận cho rớt hàng trăm em đạt ngưỡng điểm chuẩn, bằng cách dùng tiêu chí phụ.

Chưa hết nỗi băn khoăn vì thủ khoa chưa chắc đậu (nếu rớt ở tiêu chí phụ) thì tới đoạn điều chỉnh nguyện vọng. Khi công bố điểm thi xong, nhiều trường “tốp trên” công bố điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT, bởi họ cũng chọn giải pháp an toàn để tuyển đủ chỉ tiêu. Thành ra, học sinh đăng ký nguyện vọng rất khó. Nhiều em bối rối không tính được xác suất tỷ lệ đậu vào trường mình đăng ký là bao nhiêu nếu nộp hồ sơ. Còn ngay các trường đại học cũng lo, nhất là trường ở ”tốp dưới” lo khó tuyển sinh vì các trường phía trên có khả năng hút hết thí sinh. Rồi nhúi nhùi việc thay đổi nguyện vọng của học sinh, như trường THPT Chu Văn An - một ngôi trường nổi tiếng ở Hà Nội, có tới 460 em trên tổng số 672 học sinh lớp 12 xin điều chỉnh nguyện vọng, mà có em đăng ký tới 9 nguyện vọng.

Theo dõi tới đây, chắc quý bạn đọc cũng... đau đầu. Còn người viết bài này lại tự hỏi, có thực đây là “cổng thiên đường” cho giáo dục hay không? Việc chọn vào đại học sao nhọc nhằn quá đỗi và tâm lý còn rất nặng nề!

Đường vào đại học vì sao cứ nóng mãi như thế? Có phải tâm lý coi đây là “cổng thiên đường” nên cứ đổ dồn sự lựa chọn vào đó? Trong khi báo chí đưa tin liên tục mấy năm qua đã có hàng trăm ngàn cử nhân, kể cả thạc sĩ vẫn thất nghiệp, thì đại học vẫn thu hút số lượng lớn học sinh tốt nghiệp phổ thông. Rồi đất nước vẫn “thừa thầy thiếu thợ”. Đây chính là bài toán mà ngành giáo dục phải giải trước hết.

Chúng ta đã chủ trương phân luồng học sinh, vận động học nghề, nhưng rõ ràng câu chuyện vẫn chưa tạo sự đồng thuận giữa nhà trường và xã hội. Chuyện hướng nghiệp vẫn lúng túng.

Chúng ta đã hô hào đổi mới căn bản toàn diện giáo dục, nhưng chỉ bắt đầu đổi mới thi cử, đổi mới chương trình đã loay hoay, nan giải.

Chúng ta đã xới xáo lên chuyện gắn đào tạo với nhu cầu xã hội, nhưng dường như cả đầu vào lẫn đầu ra đều nảy sinh vấn đề phức tạp, thiếu tầm nhìn quy hoạch, thiếu điều tra xã hội học để định hướng. “Cổng thiên đường” vào đại học đã éo le thì khi ra khỏi “cổng” lại thất nghiệp đến hàng trăm ngàn.

Phải chăng việc thiếu một triết lý giáo dục đúng đắn, khiến cho chiến lược, sách lược giáo dục đào tạo vẫn là câu chuyện đầy trăn trở?

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM