Điện và... tiền

NGUYỄN ĐIỆN NAM 23/07/2017 05:52

Cái dấu chấm lửng đặt ở đây, là muốn gợi ra sự cân nhắc lợi - hại có thể tính bằng/hoặc không bằng tiền. Có điện lợi ích nhiều thứ lắm. Thắp sáng. Sản xuất. Điện khí hóa đã dẫn đến gần 100 số huyện, xã, số hộ sử dụng điện, làm thay đổi phương thức sinh hoạt, sản xuất theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điện được xem là “ánh sáng văn minh”, không ngoa. Nhưng điểm chung, làm ra điện và sử dụng điện đều cần tiền.

Câu chuyện bàn thảo đưa vào quy hoạch 4 dự án thủy điện ở Nam Trà My được xới lên trong kỳ họp HĐND tỉnh mới đây, rốt cuộc vẫn phải cân nhắc lợi - hại. Cái lợi cho dân, hoặc phục vụ công nghiệp chế biến thì cũng có thể hình dung (dù chưa ai tính ra con số cụ thể). Nhưng cái lợi của doanh nghiệp đầu tư thì chắc họ cần phải tính bằng tiền. Theo cách diễn giải của ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND Nam Trà My, để đầu tư đường dây 110kV lên huyện này cần kinh phí hơn 400 tỷ đồng. Cho nên, việc xây dựng 4 thủy điện này giảm được nguồn ngân sách lớn, vì doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư đường dây. Thật vậy không? Chưa ai thử hạch toán doanh nghiệp thu lợi bao nhiêu từ 4 thủy điện đó (tổng công suất chỉ 78,8MW) mới có tiền bù đắp cho khoản đầu tư này (chưa tính họ còn phải bù chi phí cho bồi thường thiệt hại rừng và trồng rừng thay thế như đề xuất của ngành nông nghiệp)? Có người tính rợ, nếu 4 thủy điện đó đi vào hoạt động hết công suất và sản xuất đạt 100% điện lượng dự kiến (khoảng 250 triệu kWh/năm) thì tổng thu khoảng 340 tỷ đồng/năm. Vậy nếu trừ chi phí thì phải hoạt động nhiều năm sau đầu tư mới bắt đầu có lãi.

Tuy Nhà nước hiện vẫn còn hỗ trợ kinh phí kéo điện đến một số nơi để phục vụ nhân dân nhưng tương lai quan hệ giữa sản xuất/phân phối và tiêu dùng điện cũng phải theo thị trường cả. Nếu đúng theo hoạt động thị trường, người xài điện phải trả tiền điện với mức giá mà người làm ra/phân phối điện có thể kiếm lời. Không thế ai làm. Lúc đó, muốn làm ra điện để bán, nhà đầu tư, doanh nghiệp phải hạch toán lời lỗ kỹ càng. Lời thì mới làm.

Trở lại với 4 thủy điện ở Nam Trà My. Cái lợi chưa tính hết được, còn mặt hại cho môi trường rừng hay xáo trộn đời sống văn hóa, tập quán sinh hoạt của đồng bào cũng có người đặt ra và càng... khó tính. Chẳng hạn, 60ha rừng bị xóa sổ (chưa tính số diện tích rừng bị ảnh hưởng khi xây dựng đường dây đấu nối và đường dây 110kV), định giá thiệt hại cụ thể thế nào? Đất ấy, nếu để trồng rừng hoặc làm thủy điện thì lợi - hại so sánh ra sao?

Thực ra, cái sự lợi - hại cũng khó mà đong đếm hết bằng tiền. Trước khi biểu quyết thông qua tại kỳ họp HĐND tỉnh, những ý kiến nói về cái lợi “đa mục tiêu” của 4 dự án thủy điện chưa rành rẽ, nên có nhiều người phân vân là phải. Như ông Vũ Văn Thẩm, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, nói rằng thủy điện nào cũng gây tác hại; vấn đề là lãnh đạo tỉnh cần xem xét, nếu như cái lợi mà lớn hơn cái hại thì đành phải đặt cái lợi lên trên. Và ông Võ Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh đã lưu ý, cần phải kiểm tra năng lực của nhà đầu tư và phải đánh giá báo cáo tác động môi trường một cách thận trọng, cần xem xét tính đa mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thực chất của dự án. Vì vậy, theo thiển ý của chúng tôi, dù HĐND tỉnh đã thống nhất bổ sung vào quy hoạch 4 thủy điện, nhưng ý kiến nêu trên cũng cần bảo lưu để cân nhắc khi triển khai dự án.

Vấn đề cần bàn thêm là nhu cầu về năng lượng sẽ gia tăng áp lực khi đẩy mạnh công nghiệp hóa. Thực tế đang đặt ra câu hỏi, nếu không có  thủy điện thì các nhà máy công nghiệp sẽ tìm kiếm nguồn điện ở đâu? Nếu cứ làm thủy điện trên vùng tây thì đến một lúc cũng phải dừng lại trong giới hạn cho phép (hiện nay Quảng Nam đã có 42 thủy điện, trong đó có 10 thủy điện lớn, 32 thủy điện vừa và nhỏ). Do vậy, việc tìm nguồn năng lượng, nguồn điện thay thế, sẽ là một vấn đề chiến lược cần tính toán. Và tất yếu, trong tìm kiếm nguồn năng lượng, sẽ xuất hiện các nhóm lợi ích khác nhau. Sự va chạm, hay “đụng độ”, “xung đột”, cũng có thể xảy ra. Bởi các nhà đầu tư làm điện không chỉ có mục tiêu làm lợi cho cái chung, cho cả cộng đồng mà còn vì lợi nhuận của chính họ. Đặt lợi ích chung với lợi ích riêng song hành trong thuyết “win- win” (cùng thắng, cùng có lợi) được không? Như vậy, vai trò trọng tài kinh tế, vai trò điều tiết, hài hòa các lợi ích sẽ đặt gánh nặng lớn hơn cho các nhà quản trị đất nước, hay ở mỗi địa phương.

Điện và tiền, dù có tính được lợi - hại trên từng dự án, nhưng trên từng dòng chảy, từng thân phận các con sông, từng cánh đồng vùng hạ du vẫn lên tiếng với đầu nguồn. Khi cánh rừng mất đi, những suối nguồn bị chặn, làm sao không ảnh hưởng tiêu cực đến sinh thái?

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM