Thử để nhà văn thi văn
Không tiếc lời chúc mừng em Trần Đình Duy, học sinh chuyên tiếng Anh của trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) đạt điểm 10 môn Văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2017. Duy cũng đạt điểm cao chót vót ở môn Toán (9 điểm) và tiếng Anh (9,6). Vui, và có hơi “cục bộ địa phương” khi tự hào đây là thí sinh duy nhất đoạt điểm 10 môn Văn, là người Quảng Nam.
Nhưng sau vui mừng thì băn khoăn. Cứ nghĩ giả thử ông Đặng Hoàng Giang, tác giả của cuốn Thiện, Ác và Smartphone, được trích dẫn trong phần đọc hiểu của đề thi, mà đi thi thì sao nhỉ?
Liệu có chắc được điểm 10 hoặc không thể chấm được vì vượt khung? Bởi, những tranh luận về tính phi lôgic của lập luận, hay cách hiểu từ “thấu cảm” khác nhau đã trào lên một cuộc tranh luận không ngã ngũ giữa các học giả, nhà phê bình, thầy cô giáo dạy văn. Không phải không có lý khi cho rằng quan niệm “thấu cảm” là “hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó” là... không tưởng. Vậy thì điểm số tuyệt đối cho phần này chỉ là việc trả lời trúng đáp án (của Bộ GDĐT) chứ chưa hẳn đã đúng vấn đề về cách hiểu thế nào là “thấu cảm”. Ngay với TS. Đặng Hoàng Giang, đó cũng chỉ là cách hiểu của ông. Còn cách hiểu của em Duy trong bài thi hay nhiều bài thi khác nếu được công bố thì nguy cơ cũng gây ra tranh luận như vậy. Và, phải nói điều này, bài làm văn mà đạt điểm tuyệt đối thật hiếm hoi. Nếu trắc nghiệm cả thì chỉ cần trả lời đúng như... cái máy mới đạt điểm tuyệt đối, đằng này còn có phần “làm văn” (điểm cho “diễn đạt mới mẻ, thể hiện ý nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận” là 0,75 với 2 câu). Bởi thế, nói đề văn khó hay dễ là ở chỗ “sáng tạo” này, là “đất” dành cho cảm nhận của... giám khảo. (Người viết bài này đã từng đi thi văn ở nhiều cấp, thực tế đạt điểm 10 rất hiếm nhưng cũng đã có một vài lần đạt, thường bài ấy có lời phê của thầy, đại ý là bài rất tốt nhưng vẫn có phần điểm mà thầy “khuyến khích sáng tạo”). Và năm nay, xem phổ điểm thì thấy rõ chuyện khó đạt điểm tuyệt đối, trong số hơn 833 nghìn bài thi môn Văn chỉ có 2.152 điểm từ 9 trở lên, trong đó chỉ có 12 bài đạt 9,75 và 1 điểm 10.
Thôi thì chuyện cũng đã... cũ rồi. Nên nhân chuyện thi văn mà bàn chuyện dạy học văn. Lại giả thử để nhà văn nào có tác phẩm được đưa vào đề thi mà thi làm văn cũng... khó “gặm” với cách đọc hiểu và “diễn đạt sáng tạo” muôn hình muôn vẻ. Nhà văn sáng tạo ra tác phẩm còn việc tác phẩm vào đời có cách hiểu, cách cảm nhận khác nhau, làm sao chỉ có cách hiểu duy nhất đúng và trúng? Như nhà văn Nguyễn Quang Sáng từng cho rằng dạy văn theo lối đóng khung, chia một bài làm văn thành nhiều thang điểm là trói buộc trí tưởng tượng của học trò; theo ông, “một bài văn, thơ hay cũng phải để người học hiểu các nghĩa khác nhau của nó”. Trí tưởng tượng cho nhà văn hư cấu ra nhân vật, rồi đến lượt người đọc hiểu và tưởng tượng khác nhau. Ví như nhà văn Nguyễn Đình Thi tưởng tượng một Thánh Gióng khác hẳn trong truyền thuyết: “Nghe chuyện Thánh Gióng, tôi thường tưởng tượng đến một trang nam nhi, sức vóc khác người, nhưng tâm hồn còn giản dị thô sơ như tâm hồn tất cả mọi người thời xưa. Tráng sĩ ấy gặp lúc quốc gia lâm nguy đã xông pha ra trận, đem sức khỏe để đánh tan giặc, nhưng bị thương nặng. Tuy thế, người trai làng Phù Đổng vẫn còn ăn một bữa cơm (chỗ ấy nay lập đền thờ ở làng Xuân Tảo), rồi nhảy xuống Hồ Tây tắm, xong mới ôm vết thương lên ngựa, đi tìm một rừng cây âm u nào đó, giấu kín nỗi đau của mình mà chết...”. Ông Nguyễn Đình Thi nếu thi nghị luận văn học về truyện Thánh Gióng, thì sẽ không khung điểm nào để cho hợp lý, hoặc bị đánh rớt vì cách hiểu Thánh Gióng như vậy; chưa kể còn có người “tưởng tượng” rằng Thánh Gióng bay về trời để... vui thú điền viên (!).
Có ý kiến khá gay gắt rằng dạy văn không có sáng tạo là ăn theo nói leo, và những câu hỏi đọc hiểu chỉ có một cách trả lời là những câu hỏi phản văn học đang tồn tại phổ biến trong sách giáo khoa và trong các đề thi. Theo đó, có đề xuất là dạy văn phải làm thế nào cho người học tương tác với văn bản bằng đối thoại, phản biện và diễn giải văn bản theo nhiều cách khác nhau để sản sinh ra các văn bản khác nhau làm phong phú cho đời sống tinh thần. Như thế dạy văn, học văn với tinh thần khai phóng sự sáng tạo, vừa giúp hiểu cái đã có và đang phát sinh vừa mở ra chân trời ở phía trước. Nghe rối rắm vậy thì hãy đọc lại câu chuyện vui của nhà văn Nguyễn Quang Sáng để suy ngẫm: “Nhiều lần nhà trường mời tui lên họp, tôi bị cô giáo chủ nhiệm và cô giáo dạy văn than phiền, đại ý: ông là nhà văn mà con ông học văn dở ẹc! “Mắng vốn” như vậy một vài lần thì được, đằng này nhiều lần quá nên tui bực mình hỏi vặn lại: Cháu nó viết bài theo ý nó hay theo ý cô? Theo ý cô thì giỏi, còn theo ý nó là dở à?”.
Đọc lại cuốn “Hồi nhỏ các nhà văn học văn như thế nào” thấy rất nhiều nhà văn hồi nhỏ làm bài văn điểm rất thấp. Việc viết văn và làm văn nghị luận theo đề thi, là khác nhau, bởi sáng tác và nghị luận khác nhau đã đành, nhưng chắc cách hiểu tác phẩm văn học của người có năng khiếu và tư chất học văn hẳn không giống với số đông. Nhà văn đi thi văn cũng có thể rớt như thường trong thời mà sự học thiên về nhồi nhét, học vẹt, biến học trò thành cỗ máy... theo văn mẫu.
NGUYỄN ĐIỆN NAM