Lá bông đủ màu

NGUYỄN ĐIỆN NAM 13/05/2017 10:29

Có câu ca nổi tiếng về đất và người Hội An, rằng “Hội An đất chật người đông. Nhân tình thuần hậu, lá bông đủ màu”. Thử giải mã và so chiếu hình ảnh của quá khứ với thời hiện tại sẽ gợi bao điều ngẫm ngợi về Hội An.

Đất chật, đã quá rõ. Xưa đã chật, nay càng thêm chật. Bởi dù phố có mở rộng nhưng người đông thêm, thêm nhà ở, thêm cơ sở dịch vụ du lịch, thương mại, trong khi biển lở, bờ sông bị xâm thực... Từ thương cảng quốc tế xa xưa đến trung tâm du lịch hiện nay, Hội An tiếp tục cuốn hút dòng người các nơi về tụ hội, làm nên sắc màu đa dạng của Phố. Cách mô tả “lá bông đủ màu”, dĩ nhiên chỉ sự phong phú hàng hóa thương cảng tụ hội ở đô thị thương mại. Từ thế kỷ 18, nhà bác học Lê Quý Đôn đã ghi nhận: “Thuyền từ Sơn Nam về chỉ mua được một thứ củ nâu, từ Thuận Hóa về cũng chỉ mua được thứ hồ tiêu, còn từ Quảng Nam về thì hàng hóa không thứ gì không có. Phàm hóa vật sản xuất ở các Phủ Thăng Hoa, Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Bình Khang và Dinh Nha Trang, đường bộ, đường thủy, đi ngựa đều hội tập ở phố Hội An...”. Nhưng theo tôi, “lá bông đủ màu” có lẽ còn chỉ sự đa dạng sắc màu văn hóa nữa. Vì rằng có hàng hóa nào mà không mang theo dáng dấp sắc thái vùng đất, không thể hiện sự tài hoa trong chế tác và theo bước chân con người chu du đến đây. Khách đến rồi để lại nhận xét: “Hội An trăm vật trăm ngon/ Người thanh cảnh lịch tiếng đồn chẳng sai”. Người đến và ở lại, một thời dựng nên Phố Nhật, Phố Khách, tạo thêm những sắc màu cho phố. Từ nhu cầu giao thương rồi giao lưu văn hóa, định cư để gầy dựng cơ nghiệp, diễn trình ấy trải qua hàng mấy thế kỷ để có Hội An nay. Điều quan trọng là trong hình hài và nét hồn của phố, chính “nhân tình thuần hậu” là cái cốt lõi, làm nên một Hội An riêng biệt, để thương để nhớ để sầu cho ai...  

Thường trong lẽ đời, thịnh suy như giọt sương đầu ngọn cỏ. Cái sự nhân tình thuần hậu cũng như giọt sương, dễ vỡ trước thế thái hỗn độn. Nhân tình đâu hẳn như tình nhân để “hôn một lần ở đó/ một đời vang thủy triều” (Chế Lan Viên).  Có những đổi thay khi đất thêm chật, người thêm đông, lá bông thêm đủ màu. Không có tiếng nổ to thì có tiếng rạn vỡ trong nhân tình khi nhập thêm cư dân miền khác, khi chồng lên lo toan thương mại, khi “trăm vật” không hẳn đã “trăm ngon”... Vì rằng xô bồ quá, sự hỗn độn náo nhiệt có cơ nhấn chìm cả “người thanh, cảnh lịch”. Đây là một thảng thốt có thực trong nhiều giới, nhất là trí thức văn nghệ sĩ, người nghiên cứu văn hóa. Có một người Quảng từ phương xa trở về đã ghi lại cảm xúc: “Phố Hội nhìn quanh đã tràn ngập người, người với người chen chúc lô nhô dù khi trời đã chạng vạng.... Hội An đã biến đổi, và chắc sẽ biến đổi với một gia tốc lớn khi mà chủ nhân của nhà cổ, của một số con phố cổ giờ là của người khác. Linh hồn của những con phố phải là của người Hội An, những con người đã lặng lẽ nâng niu và mến yêu gìn giữ mỗi ngày qua mấy trăm năm chiến tranh (...).  Khi mà phố cổ, nhà cổ bị “rút ruột” văn hóa, Hội An sẽ bị rơi vào trạng thái đứt gãy văn hóa, rỗng ruột văn hóa, và hiển nhiên Hội An sẽ bị biến dạng hoàn toàn...”. Cảm nhận này không khác mấy với nhận xét của một người cư ngụ gần cả đời ở phường Sơn Phong - Hội An, là cụ Võ Văn Lân, rằng bây giờ điều kiện kinh tế phát triển, người dân khắp nơi đổ về nhiều, những người gốc Hội An xưa nay bán nhà bán đất ra vùng ven, trong phố chỉ còn những người nơi khác ở và buôn bán kinh doanh nên ít nghĩ đến đời sống văn hóa tinh thần, con người Hội An trở nên xa cách. Đã phải cảnh báo tới mức nguy hiểm vậy chưa? Đó là chuyện mà người Hội An cần trả lời và tìm cách giải quyết.

Một sự thức nhận đã nhen lên khi Đề án vì một Hội An nhân tình thuần hậu đặt ra vấn đề phải gìn giữ, khơi dậy nếp sống văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Hội An. Chung quanh việc thực hiện đề án này có nhiều đề xuất, từ chuyện bảo tồn văn hóa đến xây dựng nếp sống văn minh, lập lại trật tự buôn bán kinh doanh, xóa bỏ những tệ nạn cướp giật, chụp giật, ăn tục, nói tục... rồi truyền thông, giáo dục về lối sống văn minh, nhân văn. Đại khái là rất nhiều chuyện để làm. Điều mong là như một quy luật văn hóa, khi nội sinh văn hóa bản địa mạnh thì có thể đồng hóa, giáo hóa ngược lại những thành tố ngoại lai; nghĩa là có thể “gạn đục khơi trong” mà làm cho mạch nguồn văn hóa vừa giữ được “nếp nhà lành” vừa hiện đại hóa, hội nhập toàn cầu.

Lá bông đủ màu mà không lộn xộn, bát nháo, sa đọa, thì mới còn giọt nhân tình thuần hậu như nước mát lành của giếng Bá Lễ tưới tắm hồn người.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM