Bài học thiên nhiên

TRƯƠNG TÂM THƯ 07/05/2017 06:25

Miền Trung có những vùng biển đẹp ngây ngất bởi vẻ hoang sơ. Ngược lên phía núi, những cánh rừng già Trường Sơn cảnh quan kỳ vĩ đẹp mê hồn. Tài nguyên thiên nhiên, bên cạnh ý nghĩa vô giá là bảo vệ môi sinh cho con người, cũng thật sự là tiềm năng lớn để phát triển du lịch, đặc biệt trong thời buổi hiện đại con người ngày càng có nhu cầu trở về thiên nhiên để thanh thản tâm hồn, để tìm lại chính mình.

Đáng tiếc, nguồn tài nguyên thiên nhiên ấy ở nhiều nơi đang bị khai thác triệt để đến mức... hết cả thiên nhiên, bất chấp quy định nhà nước và cả quy luật tự nhiên.

Vùng ven biển miền Trung với các vịnh biển và đảo nhỏ gần bờ có nhiều nơi được đánh giá là “đẹp nhất hành tinh”. Ngành du lịch lâu nay tập trung khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái biển. Trong những bãi biển có độ thoải lý tưởng để khai thác du lịch nghỉ dưỡng, có thể nói vệt du lịch ven biển Quảng Nam - Đà Nẵng đang là “điểm đến” của nhiều nhà đầu tư lớn. Hàng loạt khu du lịch phức hợp, resort quy mô đang hoạt động, và rất nhiều dự án đang xúc tiến đầu tư, trong đó có những dự án lên đến hàng tỷ đô la Mỹ.

Nhưng, việc thiếu tầm nhìn trong quy hoạch đã khiến nhiều dự án du lịch trước đây tràn lấn ra biển, che khuất cả không gian, đi ngược lại xu hướng “mở cửa” ra biển. Ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An - trước đây từng thừa nhận, sai lầm của cá nhân ông, và của Hội An là đã cấp phép cho các dự án tràn sát mép biển. Hậu quả, đã được nhìn thấy, với tình trạng sạt lở biển ở Cửa Đại (Hội An), hay hầu như cả con đường dài ven biển từ Đà Nẵng vào Hội An lại... không thể nhìn thấy biển, vì bị các khu du lịch che khuất.

Sự thiếu kiểm soát từ phía cơ quan chức năng lẫn sự tham lam của một số doanh nghiệp gần đây bất chấp quy hoạch và yêu cầu nghiêm ngặt về bảo vệ môi trường sinh thái, đã khiến tài nguyên thiên nhiên bị mất đi một cách vô cùng nhanh chóng. Vụ trộm cát biển Cửa Đại, doanh nghiệp đã thay vì “lấy chỗ thừa bù chỗ thiếu” như quy luật tự nhiên, thì lại mang đi bán kiếm lời, “ăn trên lưng” thiên nhiên. Vụ cày núi Sơn Trà, một doanh nghiệp khác lại “ngồi xổm” trên thiên nhiên bằng bê tông cốt thép. Ai đã nhìn thấy hai bức ảnh chụp từ vệ tinh, về cảnh Sơn Trà trước và sau khi doanh nghiệp xây dựng, sẽ thấu hết sự mất mát của thiên nhiên do bàn tay con người.

Ở một khía cạnh khác - vấn đề biến đổi khí hậu - cách đây khoảng 10 năm, nhiều người vẫn chưa thể hình dung nó trên thực tế. Nhưng rồi, những thảm họa, thiên tai ngày càng diễn ra với tần suất dày và hậu quả nặng nề. Hậu quả của biến đổi môi trường, nói như một vị lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, là không còn trên lý thuyết hay chuyện xa xôi, mà đã “hiện diện ngay bên cạnh chúng ta”. Nguyên nhân sự “trở chứng” của thiên nhiên, luôn chỉ đến nạn phá rừng, ngăn sông, xâm hại biển, xả thải gây ô nhiễm môi trường... Nói chung, là do sự tác động “quá tay” của con người vào thiên nhiên.

Cần nhắc lại quan niệm và ứng xử của cha ông từ ngàn xưa với thiên nhiên. Con người chỉ là một “tiểu vũ trụ” trong lòng bao la của tự nhiên. Trong các kiểu tín ngưỡng, con người luôn tôn thờ tự nhiên. Tôn trọng thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên mà sống, chứ không phải cái kiểu chinh phục hay biến thiên nhiên thành nô lệ cho những tham vọng trong thời buổi kim tiền. Những nhà quy hoạch khôn ngoan luôn dựa vào tự nhiên để hình thành những dự án, công trình bền vững. Trên thế giới, những công trình vĩ đại, những kỳ quan thế giới đều thích ứng, chung sống hòa bình với thiên nhiên. Những ứng xử thô bạo của con người với thiên nhiên, đều bị thiên nhiên đáp trả.

Bài học hòa hợp với tự nhiên, giữ gìn, bảo vệ và khai thác đúng mực nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu, có lẽ cần phải được học thuộc lòng!

TRƯƠNG TÂM THƯ

TRƯƠNG TÂM THƯ