Đi tìm lời ru
“Chiều chiều mây phủ Sơn Trà
Lòng ta thương bạn nước mắt và lộn cơm”.
Câu ca xưa mẹ ru giờ có cơ rơi vào cõi sa mù khi sự cày xới làm lu bù “con mắt thần Đông Dương”. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng báo cáo cụ thể về vụ việc khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa tại bán đảo Sơn Trà, trong đó làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển rừng, an ninh quốc phòng cùng các quy định pháp luật có liên quan, những biện pháp đã xử lý của thành phố... Trong khi đó, đàn voọc chà vá chân nâu vẫn chưa hết phập phồng lo sợ mất không gian sinh tồn và dư luận chưa ngớt bàn tán tại sao lại “có cửa” cho người ta xây dựng trái phép trên núi đến mấy chục cái móng biệt thự to đùng như thế?
Vì đâu có sự quan tâm lớn vậy?
Bởi Sơn Trà đâu chỉ có biểu tượng về đàn voọc.
Sơn Trà cũng không chỉ có ý nghĩa về kinh tế du lịch và quốc phòng.
Sơn Trà còn là hình ảnh mang tính biểu tượng của quê nhà, là ngọn núi quê hương đã đẫm đầy trong ca dao, dân ca, lời ru của mẹ. Ai sống ở vùng châu thổ Thu Bồn - Vu Gia đều ngước nhìn Núi Chúa, Hải Vân, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Trà Kiệu,... bao quanh, mà ghi khắc vào lòng mỗi lúc đi xa. Vậy nên rất nhạy cảm khi đụng đến cái không - gian - tâm - tưởng ấy.
Cùng với núi là sông biển.
Như cái Cửa Hàn, Cửa Đại (Đợi) đã ghi dấu trong mạch nguồn: “Sông Thu Bồn xuôi về Cửa Đại/ Lạch Bình Long chảy mãi ra Hàn”...
Không dưng mà hình ảnh Cửa Đại bị sạt lở khiến người Hội An, Quảng Nam suốt mấy năm qua không ngớt lời khẩn thiết kêu cứu. Ác nghiệt thay, chưa kịp mừng với việc triển khai nạo vét luồng lạch và lấy cát tạo bãi cho Cửa Đại, thì đã có kẻ lợi dụng “kẽ hở” để trộm cát đi bán cho nơi khác đến hàng nghìn khối. Làm sao có thể giải thích được nguyên nhân những chiếc tàu hút cát to bự chảng có thể lọt qua mắt nhiều lực lượng chức năng tại đây? Phải chăng có thứ gì đấy đã lở lói thành cát bụi vì tiền, đã tạo ra “kẽ hở” cho người ta chui lọt?
Cửa Đại đợi cát bù đắp, cũng là đợi người bù đắp cái tình với biển, với bao ký ức đã gắn với không gian sinh tồn thiết thân mỗi khi mưa nắng mà dự báo: “Chiều chiều mây phủ Sơn Trà/ Sóng xô Cửa Đại trời đà chuyển mưa”.
Có những ngọn núi, dòng sông đã... qua đời, vì những biến thiên dâu bể. Chuyện hóa công làm biển cạn non mòn thì ngoài tầm với, nhưng nếu vì con người tác động tiêu cực sẽ đem lại hậu quả khôn lường. Cái ý thức về “chinh phục tự nhiên” quả có mặt ngông cuồng khi phóng đại khả năng con người có thể thay thế tạo hóa sắp xếp lại mọi thứ. Vì vậy, “nhân tai” cũng có sức tàn phá không thua gì thiên tai. Biến đổi khí hậu có phần nguyên nhân không nhỏ do con người tạo ra, đang đưa nhiều vùng đất trở thành sa mạc hoặc sụt lún, ngập chìm trong biển nước. Rõ ràng vì công cuộc mưu sinh, nhiều người lao vào kiếm tiền, chà đạp thiên nhiên, bất chấp sự tác hại đến không gian sinh tồn bền vững. Sinh cảnh môi trường bị băm nát. Bê tông hóa và hiệu ứng nhà kính làm vạn vật ngoi ngóp trong bầu khí quyển vốn đã dày bụi vì hoạt động sản xuất, sinh hoạt của con người. Đà Nẵng, nếu để chà nát những mảng rừng sót lại của Hải Vân, Sơn Trà... thì chỉ còn như hộp kính bức bối, không hơn! Cửa Đại, nếu trôi tụt ra biển thì khu dự trữ sinh quyển thế giới cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ví phỏng có còn du lịch, làm ăn được gì khi để xảy ra tình trạng ấy?
Không phải mọi thứ đều phải giữ y nguyên như hình ảnh trong câu ca xưa cũ mà phải vì sự phát triển. Nhưng đó là sự phát triển bền vững bởi không thể đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế. Hơn thế nữa, có những hình ảnh của thiên nhiên đã trở thành biểu tượng, lưu dấu trong mạch nguồn văn hóa thì không dễ để những bàn tay thô bạo can thiệp.
Nói đi tìm lời ru là tìm sự an bình. Lời ru của mặt trời, mặt đất, của ngọn núi, dòng sông... chính là sinh quyển nuôi dưỡng tâm hồn con người.
NGUYỄN ĐIỆN NAM