Lan man bên lề chợ
Hội chợ khuyến mại xuân Quảng Nam năm 2017 mở ra và khép lại trong một tuần, kết thúc hôm 11.1. Năm nay, thông tin quảng bá hội chợ cho hay có tới 250 gian hàng của 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề trong và ngoài tỉnh tham gia. Hội chợ bày hàng ở Trung tâm văn hóa tỉnh, cũng tạo nên chút nhộn nhịp ở tỉnh lỵ nhưng còn nhiều điều khiến người quan sát phải nghĩ ngợi.
Thử dạo một vòng quanh chợ, cái nhìn chung là không khác mấy với những kỳ hội chợ trước. Nhiều nhất vẫn là các thứ áo quần, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ, thực phẩm... Có khác chút ít là hội chợ giới thiệu một số sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của Quảng Nam được bình chọn năm 2016. Trong “cõi lòng” của người dạo chợ còn mong muốn được nhìn thấy những mặt hàng nước mắm truyền thống sau “cơn bão arsen” như thế nào. Và, thú vị là sự hiện diện của nước mắm Cửa Khe, bên cạnh các sản phẩm mắm nổi tiếng của xứ Huế. Hàng của các làng nghề thủ công ở Quảng Nam cũng nhiều thứ, như hương trầm, rượu ngâm các loại thảo dược (sâm, ba kích, kacun, chuối rừng, đảng sâm...), bánh kẹo, chổi đót, bàn ghế...
Đã là chợ nên “thượng vàng hạ cám” đều có nhưng giá cả các mặt hàng chênh lệch rất “khủng”. Có thứ chỉ 10 ngàn đồng chọn 3 loại, chắc là xả hàng. Nhưng có mặt hàng đến 500 triệu đồng (như bộ phản gỗ cẩm lai, được nói là cả nghìn năm tuổi). Nhìn thấy bà con xúm xít vào những mặt hàng rẻ, chỉ dạo qua xem chơi các bộ salon đến mấy trăm triệu đồng dòm ngó cho vui, là hiểu chợ này không dễ tìm ra khách hàng đại gia. Bởi vậy, các thứ đắt đỏ có lẽ chủ yếu để trưng bày thôi. Nghĩ về sự tiêu dùng của người Quảng, mà chủ yếu là khu vực Tam Kỳ, cho thấy đẳng cấp còn rất thấp vì chưa dư dả gì. Lại miên man về cái tin mạng mẽo đồn đại một đám cưới ở Tam Kỳ cho con dâu cả trăm cây vàng, e là trường hợp quá cá biệt. Loại khách tầm trung thì mua được hàng hiệu cũng thường đi Đà Nẵng, Sài Gòn... Vậy thì nam thanh nữ tú dập dìu đi hội chợ ở Quảng chỉ mong tìm thú vui được đi chơi.
Vui chơi gì đây với các trò ném bóng, ném lon, phi tiêu, quay số?... Nhàm, nhưng không mua gì, không chơi gì, thì... đi chợ làm gì? Cũng có dàn âm thanh phóng ra những điệu nhạc xập xình và chờ những ca sĩ phô diễn các bài disco, hip hop. Các hàng giải khát, món ăn nhanh cũng là dịp để chia sẻ với các bạn trẻ vài cái liếc mắt đong đưa. Tôi cảm thấy tiếc là sao những nhà tổ chức không thiết kế các trò chơi kết hợp văn nghệ dân gian đậm chất truyền thống đất Quảng hơn để tạo sắc màu riêng cho chợ (?). Vì rằng, chợ Quảng, như người viết cảm nhận, không chỉ là nơi mua bán đổi trao hàng hóa mà còn cần chất văn hóa nữa. Bởi đó là nơi con người tìm thấy và sẻ chia thông tin, tình cảm; là ăn mặc và nói năng, ứng xử; là chỗ dạo chơi hội hè và cả giao duyên. Phải chăng, vì không gian chật hẹp và “làm cho có lệ” nên hội chợ có mặc thêm chiếc áo lụa là nhưng không tìm ra nhiều chất Quảng ở đây. Thi thoảng mang chút hoài niệm khi nhìn thấy một vài món quen như cây chổi đót, chiếc chiếu hoa, chai mắm, lọ tương... Ít thôi, nhưng nếu không thấy mặt “bạn hàng xưa”, e rằng, chợ chẳng còn gì thú nữa. Nói thế để mà bàn cái việc tổ chức chợ, hoặc là ra bản sắc nông thôn, hoặc hướng về tiêu dùng cao cấp, cần nên cân nhắc với đối tượng tiêu dùng là người Quảng. Bâng khuâng khác nữa là với mục đích cổ xúy người Việt dùng hàng Việt, lẽ ra nên có một chuỗi riêng liên tục cho trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm thương hiệu mạnh để người mua dễ nhận biết; chứ xô bồ lộn xộn đủ loại vậy khó cảm nhận được.
Dừng giây lát ở ngõ đường ra chợ, có cái gì len vào chút ấm áp trong se lạnh tiết đông tàn khi nhìn thấy những hàng cây giống trỗi lên. Nào hoa, ổi không hạt các loại, mãng cầu, xoài, vú sữa,... Vừa thích mà vừa tiếc nghĩ, Quảng Nam cần có một hội chợ riêng về giống cây trồng cho thung lũng, biền bãi, gợi lên sự nảy mầm về nông nghiệp hữu cơ, xanh, sạch.
NGUYỄN ĐIỆN NAM