Trái chín màu thời gian
Câu thơ đầy chiêm nghiệm của Huy Cận “trái chín cây đâu thể chín nóng lòng”, vận vào đời mới thấm ý nghĩa của thời gian.
Ấy là một cái “độ”, là ngưỡng để lượng biến thành chất. Quy luật chuyển hóa lượng - chất này, có thể nhanh hay chậm, đột biến hay từ từ tùy tác động của hoàn cảnh, nhưng đều phải qua một khoảng thời gian ngắn hoặc dài.
Sự vật dễ thấy độ. màu thời gian phủ lên cây trái, non xanh hay già cỗi hiện ra trên da thịt. Trái cây phải đến mùa mới chín, có nhanh hơn chút thì là chín bói, là tới một hạn độ nhất định, mới ngon; nếu vì “nóng lòng” ham ăn mà tác động chỉ có thể làm chín ép, mau bủn.
Đời con người, có khác sự vật, nhưng cũng cần thời gian mới có thể chín chắn. Gần như ai cũng bình đẳng về thời gian để làm việc theo định mức hưởng lương (60 năm cuộc đời). Trong khoảng ấy, dù có cố gắng đến đâu, không ai có thể làm việc quá 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày. Đó là độ giới hạn. Vậy có nóng lòng hay “nóng ruột” mà chín chắn với công việc được không? Tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2016 với chủ đề “Thế giới đang thay đổi, lãnh đạo trẻ cần làm gì?” do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tổ chức mới đây, ông Trần Đức Huy, Tổng giám đốc Công ty CP Công nghiệp Vĩnh Tường, cho rằng, giá trị được tạo ra là phép nhân của năng lực và thời gian làm việc. Năng lực của mỗi người không hẳn là vô hạn nhưng chưa ai chỉ ra được giới hạn của yếu tố này. Đúng vậy, con người có thể đột phá nhờ năng lực, họ có thể chín sớm, nhưng cũng phải cần một hạn độ thời gian nhất định. Một người trẻ như Vũ Minh Hoàng mà báo chí vừa nói đến, dù tài giỏi đến đâu, chỉ làm việc 32 ngày đã được lên tới Phó Vụ trưởng thì quá độ bất ngờ. Rất “tội” cho anh ấy bị búa rìu dư luận phanh phui vì các bậc cha chú “nóng ruột” làm cho chín ép đến bục ra. Người như Hoàng, 26 tuổi, không phải trẻ chẳng phải già để làm chức ấy, nhưng làm sao thuyết phục được dư luận về giá trị, năng lực của anh ta tương ứng với chức vụ bằng số ngày làm việc như vậy, bằng con đường “siêu tốc” mà khuất tất như vậy?
Ở đây lập tức có sự so sánh về “độ” của tuổi tác, của khả năng những người trẻ có thể bứt phá theo hoàn cảnh lịch sử. Có người nhắc đến các vị tiền bối từng đảm đương chức vụ lớn hơn khi ở độ tuổi 25 - 26. Không sai, nhưng sự bình đẳng về thời gian thì ai cũng như ai, như nhà triết học kinh điển Karl Marx đã suy tưởng: “Chúng ta không nên nói một giờ của người này đáng giá với một giờ của người khác, mà nên nói người này trong một giờ cũng đáng giá như người khác trong một giờ”. Bao nhiêu tài năng trẻ khác không có cơ hội thi thố với Vũ Minh Hoàng để đạt vị trí ấy, trong một quãng thời gian như nhau. Đó chính là “cơ chế”, là “quy trình” đột phá để tìm người tài mà chúng ta chưa tạo ra cho công bằng với những người cùng “độ”. Nếu chưa có cơ chế đó thì không cách nào khác phải trải nghiệm thời gian để minh xét năng lực, để đánh giá con người.
Màu thời gian phủ lên đời người hay vùng đất, qua bao biến thiên của tự nhiên và lịch sử xã hội, đủ cho ta chiêm nghiệm “đời một ngày không làm xong sự thật”. Cuốn lịch 2016 sắp đến tờ cuối cùng vẫn còn vương vất thứ “quy trình” bổ nhiệm cán bộ đã ồn ào rất nhiều trong năm qua. Phải chăng như nhà thơ Nguyễn Duy từng cảm nhận “một tờ lịch đổi ngôi/thương mỗi đời vừa vinh vừa nhục/ dài một chút ngắn một chút....”?
Lắng lòng với bước thời gian đi mà xếp lại chuyện buồn cũ và hy vọng đón điều mới mẻ hay ho hơn cùng mùa xuân con gà sắp tới: “Đêm cuối năm rồi gà gáy giục/Ơi mặt trời đưa xuân mọc lên/ Thời gian nghe nở nhanh từng phút/ Như phố hoàng hôn bật ánh đèn...” ( Áo thời gian - Huy Cận).
NGUYỄN ĐIỆN NAM