Cảm hứng khởi nghiệp

NGUYỄN ĐIỆN NAM 16/10/2016 07:09

Thế giới có quá nhiều tấm gương khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng trở thành doanh nhân tiền muôn bạc vạn nhờ có khát vọng làm giàu. Như tỷ phú nổi tiếng Bill Gates đã khởi hành sự nghiệp với triết lý: “Nếu bạn sinh ra trong nghèo khó, đó không phải là lỗi của bạn. Nhưng nếu bạn chết trong nghèo khó, thì đó là lỗi của bạn”. Vậy, có phải nước ta, người Việt ta nghèo là do “lỗi” tiền kiếp hay chính vì không biết khởi nghiệp, thiếu hoài bão, ước mơ làm giàu?

Cảm hứng khởi nghiệp kinh thương từ rất lâu đã được cha ông ta cổ xúy. Nhà bác học Lê Quý Đôn đã đúc kết “Phi sĩ bất hưng, phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt”. Tuy vậy, quan niệm xếp thương nhân xuống hạng chót khiến sự nghiệp kinh thương khó có thể “ngóc đầu” lên bằng thiên hạ. Nền doanh thương thời phong kiến, đặc biệt ở thế kỷ 18 - 19, chủ yếu nằm trong tay của các thương nhân người Hoa, từ cộng đồng lưu dân Minh Hương. Cho đến đầu thế kỷ 20 mới xuất hiện một ít nhà tư sản người Việt nhưng không tập hợp đủ sức mạnh để cạnh tranh với các nhà kinh doanh liên lục địa. Công thương của xứ Việt vẫn ở trình độ thấp kém dù đã có mậu dịch quốc tế.

Bước vào thời đại toàn cầu hóa, mặc cảm tự ti dường vẫn còn ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều doanh nghiệp. Gia nhập WTO có thúc đẩy sản xuất và kinh doanh nhưng “sân chơi” của các thương hiệu quốc tế lớn cũng vào ào ạt chiếm lĩnh thị trường nội địa. Chính vì vậy, trước bước hội nhập sâu rộng hơn với 17 Hiệp định thương mại thế hệ mới (AFTA), cần phải tạo cảm hứng khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp và của cả quốc gia, mà thiển nghĩ, trước hết là khơi dậy tinh thần tự tôn dân tộc.

Trong dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam năm nay, thông điệp của Thủ tướng Chính phủ cũng nhằm vào mục tiêu ấy với cam kết “3 đồng hành, 5 hỗ trợ” để thúc đẩy kinh thương phát triển. Ba đồng hành là: đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật và đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp. Năm hỗ trợ là: hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động; hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh; hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.

Nếu những cam kết này được Chính phủ thực hiện tốt thì không những 600 ngàn doanh nghiệp hiện có sẽ phát triển hơn nữa mà số lượng, chất lượng doanh nghiệp cũng gia tăng. Đặc biệt, việc có thêm hơn 9 vạn doanh nghiệp thành lập mới năm 2016, cho thấy ấn tượng về sự khởi nghiệp, tạo nên một “làn sóng” cảm hứng đầu tư làm ăn mới.

Khởi nghiệp thường bắt đầu từ những người trẻ. Cảm hứng thú vị như chàng thanh niên Võ Văn Tiếng đã làm lúa sinh thái, lúa thiên nhiên (không sử dụng thuốc trừ sâu và phân bón hóa học). Từ đó Tiếng đã mở rộng liên kết để sản xuất và phân phối hạt gạo sạch - “gạo Tâm Việt” của Đồng Tháp. Cách làm của Tiếng có thể mở ra hướng đi sáng tạo cho các doanh nghiệp trong việc kết nối với nông dân để sản xuất nông sản thực phẩm sạch chất lượng cao. Con đường mới bắt đầu nhưng dự báo sẽ là thương hiệu bền vững.

Khởi nghiệp không bao giờ là muộn, ngay cả với người già nếu còn khát vọng. Nhớ một câu hỏi nổi tiếng của Steve Jobs dành cho John Sculley, giám đốc trước của Apple, rằng: “Anh muốn bỏ phần còn lại của cuộc đời mình đi bán nước đường hay anh muốn có cơ hội thay đổi thế giới?”. Rõ ràng, sự đổi mới, sáng tạo không ngừng chính là điểm xuất phát của khởi nghiệp, và cảm hứng được tạo ra khi doanh nhân hội đủ bốn yếu tố “tâm- tài- trí - đức”.

Hành trình khởi nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, rộng ra cả quốc gia, dân tộc, cần biết bao cảm hứng sáng tạo, đổi mới, vượt qua, vượt lên chính mình.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM