Giả mù, giả điếc
Vụ phá rừng đặc biệt nghiêm trọng ở biên giới giữa Quảng Nam và Lào đang thu hút sự quan tâm lớn của dư luận. Tìm kiếm trên mạng, với từ khóa “phá rừng ở Quảng Nam” cho kết quả hơn 824 nghìn lượt truy cập và với từ khóa “phá rừng pơ mu” có 134 nghìn kết quả trong ngày hôm qua.
Thật đau xót khi 66 cây pơ mu, loại gỗ quý hiếm nhóm IIA, đã bị lâm tặc đốn hạ, còn “ứa máu”! Nên nhớ rằng, để có cây pơ mu trưởng thành phải mất hàng mấy chục thậm chí cả trăm năm. Pơ mu được coi là loại gỗ quý do mùi thơm đặc trưng, vân gỗ đẹp, không bị mối mọt phá hoại, thường được sử dụng để làm các đồ tạo tác mỹ thuật và đồ gia dụng. Nó là loài nguy cấp nên đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.
Tới nay, có khoảng 46 mét khối, với gần 600 phách gỗ đã được tìm thấy trong vụ phá rừng mới rợi này. Theo dõi tin tức, cứ mỗi ngày lại xuất hiện thêm tình tiết mới trong điều tra vụ án. Nào gỗ để ở khuôn viên Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang. Rồi gỗ tập kết ở sau lưng đồn biên phòng. Gỗ nằm sát đường tuần tra biên giới chỉ mươi mét. Gỗ chứa trong nhà kho khi bị phát hiện thì nhanh chóng tẩu tán... Nói tóm lại gỗ nằm ngay trước tầm mắt mà các lực lượng quản lý biên giới, quản lý rừng không thấy? Thêm nữa, gỗ đều được cưa xẻ thành phách, có gốc cây to bằng mấy người ôm phải dùng cưa vòng xẻ mới ra được. Vậy mà cái tai của cả ban bệ lực lượng chức năng đủ loại không ai nghe thấy?
Không nghe, không thấy, không biết, là câu trả lời không ai tin. Đã thế, giải thích về xuất xứ số gỗ, khoảng 8 mét khối, trong khuôn viên cơ quan mình, ông Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Nam Giang, nói rằng đó là gỗ do anh em Lào và doanh nghiệp cho, nghe thật cắc cớ. Ông Đồn trưởng Đồn biên phòng và Trạm trưởng Trạm kiểm soát biên phòng cửa khẩu thì lại nói kiểu rất “đáng tiếc” khi để xảy ra vụ việc trên địa bàn mình đứng chân. Những cách nói ấy, khiến nhiều người nghi vấn, và động thái đình chỉ chức vụ của chi cục trưởng hải quan, triệu tập đồn trưởng, trạm trưởng kiểm soát biên phòng cửa khẩu ra làm việc với Bộ Tư lệnh Biên phòng, chắc để làm cho rõ những thắc mắc đó. Rồi đây, các ngành, đơn vị liên quan sẽ phải trả lời câu hỏi mà ông Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đặt ra “bao nhiêu tai mắt, bao nhiêu lực lượng mà sao lâm tặc vận chuyển gỗ đi được?”.
Nhân chuyện này, xin nhắc lại vào tháng 9.2014, ở Quảng Nam cũng từng phát hiện vụ phá rừng quy mô lớn trên thượng nguồn sông Thu Bồn. Tại tiểu khu 640, 642, 644, 645 thuộc vùng sâu, vùng xa, giáp ranh giữa Nông Sơn và Phước Sơn, lực lượng chức năng đã phát hiện lượng lớn gỗ xẻ gồm 257 phách gỗ, tổng khối lượng hơn 51m3 gỗ các loại thuộc nhóm từ I đến VII như chò, gõ, huỳnh, xoan đào. Số gỗ quý trị giá hàng tỉ đồng này được tổ chức tập kết theo đường dây khép kín liên huyện hoạt động một thời gian dài, không chỉ khai thác trên địa bàn huyện Nông Sơn, mà từ cả những cánh rừng già, rừng đặc dụng của các huyện giáp ranh như Phước Sơn, Nam Giang. Số lượng gỗ bị khai thác quá lớn, tập kết về 5 bãi to đùng, rồi xẻ gỗ theo quy cách bài bản, vậy mà những lực lượng “tai mắt” giữ rừng cũng không nghe, không thấy.
Dân gian có câu “rừng có mạch, vách có tai”. Kín như rừng cũng có những lối đi nhỏ (mạch) người ta có thể thấy được, kín như vách người ta cũng có thể nghe được. Vậy thì chỉ có thể giả mù, giả điếc mới không thấy, không nghe cả cánh rừng tan hoang đổ xuống với cái cách chặt phá ầm ĩ bằng cưa, vận chuyển bằng xe cơ giới. Đau lòng hơn, lực lượng ăn lương nhờ tiền thuế của dân để giữ rừng mà khi rừng bị phá thì chỉ có dân phát hiện, báo chí vào cuộc mới ngã ngửa ra. Lại nữa, trên “vùng cấm” của rừng biên giới, người dân và cả lực lượng chức năng của chính quyền sở tại muốn vào phải xin phép hết hơi, còn lâm tặc thì thoải mái ra vào như chốn không người. Lạ quá!
NGUYỄN ĐIỆN NAM