Cái ta có và cái ta là

NGUYỄN ĐIỆN NAM 17/07/2016 07:03

Có tiền, có quyền, có súng đạn... những thứ “ngoại thân” ấy khiến lắm người lầm tưởng mình hơn người. Đôi khi cái họ có nhờ may mắn, hoặc nhờ tranh đoạt, còn “nội thân” của họ có khi chỉ tầm thường.

Keith Abraham - nhà diễn thuyết người Úc, cho rằng sự giàu có ngoại thân (wealth external) có thể cân đong đo đếm bằng sổ hồng, sổ đỏ, cổ phiếu, tài khoản, xe cộ, biệt điện, du thuyền, khu vực sinh sống, bậc thang chức vụ, mức độ nổi tiếng... Đó là những thứ mà thiên hạ thường dùng làm tiêu chuẩn để đánh giá nhau. Còn sự giàu có nội tại (wealth internal) vốn được đo bằng lòng tự hào về giá trị bản thân, là hạnh phúc bên trong dành cho chính mình, với ý nghĩa về những việc ta đã làm, với sự khác biệt mà ta tạo ra cho xã hội.

Tự mỗi người và rộng ra cả một cộng đồng đều có thể lầm tưởng cái ta có đi liền với cái ta là (giá trị riêng).Vậy nên đáng thương hại cho ai tưởng họ là thế này thì phải có cái kia, là họ phải được như thế, vĩnh viễn; tưởng kẻ yếu thế luôn phải khuất phục trước uy vũ của họ.

Con của một vị bộ trưởng thăng tiến quá nhanh vì ngỡ là quyền thế của bố đủ sức bao bọc. Một vị phó chủ tịch tỉnh đi xe sang trọng của tư nhân mà gắn biển công vì nghĩ ai có thể làm được gì. Giám đốc công ty môi trường mà bất chấp quy định xử lý rác thải vì tưởng to như tập đoàn Formasa thì không ai dám đụng tới. Ai dè, dựa vào những thứ “ngoại thân” ấy đâu có vững bền. Hơn thế, từ những biểu hiện nhỏ, phanh phui dần ra cái lớn, lộ ra những cái bên trong của các nhân vật nêu trên, làm dư luận xôn xao.

Cá nhân thì vậy, còn cả một cộng đồng, một quốc gia thì sao? Tuần qua, nổi lên một sự kiện mà cả thế giới phải thức tỉnh đó là việc công bố phán quyết của Tòa trọng tài thường trực (PCA) về vụ Philippines kiện Trung Quốc. Theo đó, không có cơ sở pháp lý để Trung Quốc yêu sách chủ quyền lịch sử đối với tài nguyên tại các vùng biển phía bên trong đường 9 đoạn (đường lưỡi bò), không một cấu trúc nào ở Trường Sa mà Trung Quốc yêu sách có khả năng tạo ra vùng đặc quyền kinh tế. Rõ ràng, theo phán quyết của PCA, không phải tất cả những gì mà Trung Quốc tưởng là họ có, họ nắm trong tay trên Biển Đông, là của họ. Làm sao có thể là của họ khi Trung Quốc tự tuyên bố “chủ quyền không thể chối cãi” đối với khoảng trên 85% diện tích Biển Đông, tương đương 3 triệu trên tổng số 3,5 triệu cây số vuông toàn bộ vùng biển này; họ tự vạch ra đường lưỡi bò liếm gần hết Biển Đông khi đường ấy chạy qua những chỗ cách xa Trung Hoa lục địa tới 2.000km và vào sát bờ biển Philippines, Malaysia, Việt Nam...
Trung Quốc tưởng có thể ỷ mạnh hiếp yếu, “một mình một chợ”, thậm chí giờ đây họ vẫn cao giọng bác bỏ phán quyết của PCA nhưng không thể phủ nhận công lý, lẽ phải mà cả nhân loại đang theo đuổi. Thậm chí, việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông với quy mô lớn của Trung Quốc gần đây, theo PCA, là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Luật biển 1982 (UNCLOS) trong quá trình giải quyết tranh chấp. Nhân bàn đến chữ “nghĩa vụ”, “trách nhiệm”, có lẽ phải ngẫm lại rằng cái Tôi biến thành cái Chúng ta thông qua không gian trách nhiệm, không gian nghĩa vụ. Trung Quốc muốn cái tôi của mình trùm lên cái ta của cả nhân loại thì đúng là “giấc mộng” siêu tưởng. Công ước Luật biển 1982 là quy ước chung mà 157 quốc gia (trong đó có cả Trung Quốc) đã ký kết thì đòi hỏi mỗi thành viên cam kết phải có ý thức nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện. Trung Quốc là một đại diện trong Hội đồng Bảo an dẫn dắt thế giới, muốn là siêu cường mà không đạt được lòng tin về nghĩa vụ, trách nhiệm của mình thì ai theo? Để có được sự nể phục của  thế giới thì họ phải “giàu có nội tại” chứ không thể tranh đoạt cái không phải của họ, như họ có, muốn có, muốn là...

Sự đời, thật bi kịch khi cái ta có không phải bao giờ cũng song hành với cái ta là!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM