Níu chút hồn nhiên
Sinh ra, nằm trong chiếc nôi tre bé nhỏ, tấm thân trần như nhộng mà an nhiên cười nắc nẻ. Rồi lớn lên chút, chân trần đạp đất, nghe chuyện cổ tích mà mơ thấy được nàng Tiên, ông Phật trong đời thật. Hồn nhiên trò chuyện với cỏ cây, thú vật, như bè bạn thân yêu... Ôi, những tình tự ấy, càng lớn lên càng xa đi, có kịp quay về?
Được chứ, đến “già hóa trẻ con” thì ta có thể bớt cái óc duy lý mà níu chút hồn nhiên còn trú ẩn đâu đó ở cõi lòng. Này đây, theo bà theo mẹ mà ra vườn, lên đồi hái lá mùng Năm.
Cây thuốc ở quanh ta, cứ tin cây sẽ dồn tinh chất cho người chữa bách bệnh. Hỏi sao phải đợi độ tháng Năm mới hái lá phơi và hiệp các thứ vào ngày Tết Đoan Ngọ? Thì, xưa bày nay bắt chước. Phần lớn các bà già quê trả lời cứ như không. Có đâu như các thầy thuốc Đông y biết cái lẽ âm dương mà luận, rằng đó là lúc dương khí bắt đầu lên đỉnh, hỏa khí (thuộc dương) của trời đất và trong cơ thể của con người trong ngày Đoan Ngọ đều lên tột bậc nên cũng gọi là Tết Đoan Dương. Cũng là xưa bày mà thuận theo chuyện ăn uống, cứ chọn thịt vịt, trứng vịt, rượu nếp, trái cây... những thức mát mà dùng. Hay đâu, các món có tính hàn, thuộc âm, là bổ để cân bằng âm dương cho lúc cái nóng nực, khí hỏa bốc lên. Ngay cả thứ bánh ú tro, nhỏ nhắn mà có chất nước tro mè, rất lành cho người già, trẻ em. Hồn nhiên, thuận theo tự nhiên mà sống, nhiều khi không mấy duy lý, thắc mắc hỏi hoài.
Rõ nhất cái sự hồn nhiên là tục khảo cây vào ngày Tết Đoan Ngọ. Hồi nhỏ, anh em, chị em cứ tới trưa mùng Năm thì ra sau vườn khảo cây mít, cây ổi. Kẻ đứng dưới đất cầm roi, người leo lên cây giả làm cây mà trả lời các câu hỏi. Nào, vì sao ra ít trái? Vì nắng quá. Này, sao trái bị hư? Vì bị sâu đục. Nếu không ra trái ta đốn mi hỉ? Ấy, sợ quá, đừng đốn tôi mà tội. Vậy sang năm ra trái nhiều hỉ. Dạ. Đoạn “dọa” chặt cây kịch tính, lấy roi quất, khiến “cây” phải rối rít kêu đau. Không có gì hồn nhiên hơn thế, cây cỏ bỗng nhiên có linh hồn.
Cái tục khảo cây này đâu phải chỉ trẻ con tham dự, mà đôi khi có bà, có mẹ cùng thực hiện. Sự hồn nhiên trong mắt trẻ thơ đã đành, nhưng người lớn vẫn giữ một chút gì níu kéo của lòng tin thơ ngây. Mà thiệt lạ, bao nhiều thứ dồn đuổi của mưu sinh, của nhọc nhằn, giông bão đời người nhưng lòng tin ấy vẫn sống đâu đó. Cho nên, đi qua cái cây cổ thụ nào cũng đều bái vọng, gửi đó ông bình vôi, bát chân nhang bị bể, chứ nào dám khinh thần cây. Cây trái cho mùa quả ngọt thì người cũng tạ ơn. Người chết thì cũng quấn khăn tang cho cây, cho cây khỏi héo rũ buồn.
Quả có điều vô ngôn, ẩn tàng triết lý sống vui vẻ trong tự nhiên. Đó là nhờ trước hết là tuân theo những quy luật của tự nhiên mà hành động, sau đó, dựa vào thay đổi bốn mùa của thời tiết, với thiên nhiên để cùng sinh sôi nẩy nở. Thêm cái Tết mùng Năm nữa đi qua, ngoái lại chừng như muốn níu chút hồn nhiên ngày xưa để sống. Và ai cũng cần dừng giây lát để tự vấn, rằng nếu cứ duy lý mà phát triển đô thị bê tông cốt thép, làm tổn thương những khu vườn cây trái quanh ta, khiến ta sẽ trụi trần biết chừng nào. Cái nắng nóng ngột ngạt đâu chỉ tại trời mà còn bởi hiệu ứng nhà kính, không quay đầu thức nhận thì sẽ đến lúc quất roi vào cây cũng chẳng tìm được mùa quả ngọt.
NGUYỄN ĐIỆN NAM