Thức quà cúng tổ

ĐĂNG QUANG 16/04/2016 07:20

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba...

Câu ca truyền đời dặn dò con dân đất Việt nhớ về nguồn cội. Ngày giỗ tổ Hùng Vương đã trở thành một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thẳm sâu tình tự dân tộc. Không chỉ ở Đền Hùng mà khắp nơi trên cả nước, thậm chí ở nước ngoài, nhiều dòng họ tổ chức lễ cúng, vọng bái tổ tiên, các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước.

Thức quà cúng tổ đa dạng, phong phú. Người ta có thể dựa vào câu chuyện cổ về chàng hoàng tử Lang Liêu, để tổ chức làm bánh chưng bánh dầy mà dâng lên vua cha. Hay những thứ bánh khác làm từ gạo nếp, củ quả, cùng sản vật ở các vùng miền cũng được trân quý sắm sửa bày biện để làm lễ cúng tổ. Một dạo, khắp nơi dấy lên “phong trào” làm những thứ quà kỷ lục để dâng cúng như tô mì to nhất, bánh tét dài nhất, bánh chưng lớn nhất, thậm chí làm chai bia lớn nhất... để cúng tổ. Song, dư luận phê phán trò rởm đời ấy, rằng thức quà cúng tổ cốt ở lòng thành kính chứ có phải tạo “kỷ lục” mà sự ngưỡng vọng to lớn lên đâu. Nay, thì không mấy ai nghĩ và làm như vậy nữa.

Trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, câu chuyện khó quên là sự tích quả dưa hấu. Ông tổ trồng nên quả dưa hấu là Mai An Tiêm. Nhân vật huyền sử này ở nước Văn Lang vào cuối thời Hùng Vương. Do bị nghi ngờ, vua đày Mai An Tiêm ra sống ở đảo ngoài khơi xa (nay thuộc vùng biển Nga Sơn, Thanh Hóa). Ở đó, nhờ loài chim biển ăn trái bay tới đảo nhả hạt mà Mai An Tiêm đã tìm ra giống dưa quý. Sau khi thu hoạch dưa, Mai An Tiêm lấy que vạch lên vỏ quả dưa rồi đem thả xuống biển, với hy vọng những con sóng sẽ đẩy chúng vào bờ. Cách “tiếp thị” độc đáo ấy của Mai An Tiêm đã được đất liền đón nhận, họ xem như đấy là tặng vật của đất trời. Nhờ có thông tin, ít lâu sau Mai An Tiêm đã được vua Hùng minh oan, sai đội thuyền ra đảo đón gia đình ông về. Người dân Lạc Việt đã tôn ông là “Bố Cái Dưa Tây”. Giống dưa quý ruột đỏ ấy gọi là dưa đỏ hay dưa hấu. Hàng năm, sau giỗ vua Hùng, từ 12 đến 14.3  Â.L, tại đền thờ Mai An Tiêm ở Nga Sơn lại diễn ra lễ hội để tưởng nhớ và tri ân Mai An Tiêm, người có công khai phá, mở mang bờ cõi, thủy tổ của nghề canh nông cho dân trong vùng.

Hình ảnh Mai An Tiêm và sự tích quả dưa hấu, biểu trưng sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt trong buổi đầu dựng nước. Vì vậy, quả dưa hấu trở thành một thức quà cúng tổ có ý nghĩa đặc biệt. Ngày nay, trong khi tình hình Biển Đông vẫn đang dậy sóng, ước gì lễ hội Mai An Tiêm còn có thêm những thức quà từ đảo xa gửi về, nhắc nhớ cho con dân đất Việt tìm cách xác lập và giữ vững chủ quyền hiện hữu trên bờ cõi lãnh hải.  

Từ lòng thành ngưỡng vọng các bậc tiền nhân, dịp Giỗ tổ Hùng Vương lại khiến ta nhớ lại câu dặn dò của Bác Hồ: “Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Dựng nước và giữ nước mãi mãi vững bền là lời thề đã vang lên qua bao thăng trầm lịch sử  cùng con dân nước Việt.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG