Các anh về, mái ấm nhà vui!

23/01/2016 07:06

Cùng với Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 12 của Đảng, một sự kiện cũng thu hút sự chú ý của người dân cả nước tuần qua có lẽ là việc đặt viên đá đầu tiên xây dựng Khu tưởng niệm nghĩa sĩ Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Tượng đài Người mẹ thắp lửa cũng sẽ được dựng lên ở đây. Công trình thể hiện sự tưởng nhớ và lòng biết ơn đến tổ tiên - những người khai phá, đặt mốc chủ quyền quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; tưởng nhớ đội hùng binh năm xưa cùng những người Việt Nam đã từng sống và hy sinh tại quần đảo Hoàng Sa.Hồi tháng 3.2015, Khu tưởng niệm 64 chiến sĩ ngã xuống trong khi bảo vệ đảo Gạc Ma (tại Cam Ranh – Khánh Hòa) cũng đã được đặt viên đá đầu tiên. Còn nhớ, hơn 10 năm trước đây, trên con tàu HQ996, một buổi sáng yên lành trên vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa, tôi dự lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam hy sinh trong trận hải chiến với quân đội Trung Quốc trên đảo Gạc Ma (1988). Những cánh hoa trắng muốt được thả xuống sóng biển dập dềnh, mang tâm tình và niềm tri ân của người sống đối với các anh. Có người chị ở Hà Nội còn mang theo một nắm đất ở Quảng trường Ba Đình để tặng các anh. Chị ấy nói với tôi, vì đây là lần thứ hai được đi Trường Sa, nên chị đã chuẩn bị sẵn chút đất này, các anh ở biển chắc thèm đất… Chị bỏ lửng câu nói, rưng rưng vọng theo những cánh hoa trôi trên biển. Ở đảo Trường Sa lớn, chúng tôi viếng hương mộ hai chiến sĩ hy sinh trong khi xây dựng đảo. Các anh hy sinh trong thời bình. Nỗi đau nào cũng lớn. Giữa sóng gió đại dương ồn ào quanh năm nhưng mộ các anh luôn ấm. Lòng tôi cũng ấm.Đêm trên tàu, tôi chạnh lòng nghĩ đến 74 chiến sĩ ngã xuống ở Hoàng Sa. Trận hải chiến giữ đảo Hoàng Sa năm 1974 ấy, tôi mới được biết khi ngoài hai mươi, qua sách vở tự tìm. Bây giờ thì ngày 19.1.1974 - ngày đảo Hoàng Sa mất vào tay Trung Quốc, được truyền thông trong nước nói đến một cách mạnh mẽ hơn. Đó cũng là ngày 74 chiến sĩ Việt Nam cộng hòa  ngã xuống khi bảo vệ tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Hơn 40 năm qua, họ vẫn sống trong lòng người dân Việt, bằng cách này hay cách khác. Phát biểu trên một tờ báo, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nguyên Tư lệnh Quân khu 4 nói, việc tôn vinh tinh thần yêu nước của người lính chống ngoại xâm là cần thiết, dù thời nào cũng vậy.Tôi xúc động thật sự với phát ngôn này.Vết thương tâm của người thân của 74 chiến sĩ ấy, rồi sẽ lành, vì các anh đã được đón về. Những người con nước Việt đang hướng đến một sự hòa hợp, để hồn thiêng sông núi thấm vào mạch sống, nhân lên sức mạnh dân tộc trong việc giữ gìn chủ quyền quốc gia. Đối xử tử tế với những linh hồn bất tử trong lịch sử dựng nước và giữ nước cũng là cách để những người trẻ sinh ra trong hòa bình như tôi, phải ý thức hơn trong việc đòi lại món nợ giang sơn.    Giọt nước mắt của biển sẽ thấm mặn bao trái tim con dân nước Việt khi hướng về những hòn đảo thiêng liêng của Tổ quốc còn bị ngoại bang chiếm giữ.PHAN HOÀNG