Chớ làm chứng dối
“Con ruồi” và “nàng tiên cá” là những từ khóa xôn xao trên mạng trong những ngày qua.
Phiên xử anh Minh ở Tiền Giang, liên quan vụ chai nước number 1 có ruồi, tưởng đã xong, nhưng báo chí chính thống và mạng xã hội vẫn theo đường bay con ruồi lần ra nhiều chuyện. Đáng nói, anh Minh đã làm điều sai quấy nhưng sao nhiều luật sư vẫn lên tiếng bảo vệ và cộng đồng mạng xã hội lại có người tỏ sự xót thương? Đó có thể là do nghi ngờ những người “làm chứng dối”, biểu hiện vi phạm luật tố tụng? Hoặc, là do thấy hình ảnh một người cha bị kết án 7 năm tù vì lòng tham, bỏ lại vợ con bơ vơ? Vụ việc sẽ còn gây tranh cãi, giữa việc áp dụng luật hình sự hay dân sự cho trường hợp này. Nhưng dù có thắng một khách hàng, Tân Hiệp Phát sẽ khó thoát nhanh mớ lùng nhùng. Thêm những người tiêu dùng tố cáo, khiếu nại về các sản phẩm bị lỗi của doanh nghiệp này, như Cà Mau, rồi Đắk Lắk lại phát hiện ra hàng chục chai DrThanh có cặn, có dị vật. Một cuộc khủng hoảng truyền thông dữ dội đang làm “nóng trong người”.
Còn chuyện “nàng tiên cá” thì sao? Mọi việc khởi đầu từ trang điện tử quangnamonline.com.vn đưa tin “Quảng Nam: dân chài lưới bắt được nàng tiên cá”. (Xin nói ngay, trang này gây mập mờ mạo danh khi lấy măng sét của Báo Quảng Nam). Đánh vào sự hiếu kỳ nhảm nhí nhưng thông tin đưa ra làm mất công cơ quan chức năng phải truy tầm ráo riết. Cuối cùng, không có nàng tiên cá nào cả, mà lộ nguyên hình tác giả của tin bịa đặt là Phạm Đắc Hậu (37 tuổi, trú xã Tam Anh Nam, huyện Núi Thành). Hậu mới khai lấy hình ảnh một cô gái trên mạng để “chế” ra câu chuyện ngư dân ở Tam Anh Nam bắt được nàng tiên cá 48kg. Trò tiêu khiển của Hậu rất nguy hiểm khi “làm chứng dối” rồi đưa lên thế giới mạng khiến dư luận hoang mang, đồn nhảm.
Trong mùa Giáng sinh sao lại nhắc hai câu chuyện chẳng hay ho đó? Là vì, người viết bài này chợt nhớ đến những lời răn của Chúa, rằng “chớ tham của người”,“chớ lấy của người”,“chớ làm chứng dối”. Hàng thiên niên kỷ trôi qua, những lời răn ấy không chỉ ý nghĩa với người theo đạo. Chúa, Phật hay lương giáo, ai cũng muốn lấy sự ngay thật, trong sạch làm lý tưởng. Tuy vậy, thói tham lam và giả dối dường như vẫn là con rắn len lỏi trong nhiều ngả đường cuộc sống, khiến cho những bi hài kịch tái diễn. Con rắn đó ở đâu và thời nào cũng có, nhưng sao gần đây xuất hiện nhiều trong xã hội người Việt? Cơ sở nào kết luận như vậy? Thì đây, một đề tài cấp nhà nước về việc xây dựng “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” được thực hiện trên phạm vi cả nước đã cho kết quả điều tra, trong đó xếp bảng các thói tật của người Việt cho thấy bệnh giả dối đứng đầu, chiếm đến 81%, tệ nạn tham nhũng chiếm 66,6%. GS.Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm văn hóa học lý luận và ứng dụng Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh - chủ nhiệm đề tài này, đã bộc bạch “gần như 100% người Việt hiện nay đều phải nói dối hoặc làm giả một cái gì đó, vào một lúc nào đó.Vì rằng trong thời buổi bây giờ, hoàn toàn trung thực thì khó mà sống được, khó mà hoàn tất công việc được…”.
Mô Phật, lạy Chúa, vậy làm sao để loại bỏ thói xấu? Đã có những điều răn dạy của thánh nhân, chế định của pháp luật, quy ước của luân lý, đạo lý, cốt lõi cuối cùng là hướng đến giá trị làm người, văn hóa người. Phải chăng, khi và chỉ khi chấn hưng được văn hóa, khơi dậy những giá trị nhân văn tốt đẹp, thì mới có thể ngăn ngừa thói xấu lộng hành, đẩy lùi hiện tượng suy đồi đạo đức?
An lành thực sự và mãi mãi chỉ đến khi Giuđa – kẻ phản Chúa không còn đất sống.
NGUYỄN ĐIỆN NAM