Chữ nghĩa mất ngủ
Gần đây, có hiện tượng chữ nghĩa gây mất ngủ hoặc buồn ngủ.
Đọc báo, nghe đài, xem ti vi, không hiếm khi thấy “lời nói như dao bằm xuống đất”, chữ nghĩa như cứa vào gan ruột người đời. Ví như cứ ùn ùn lên những từ ngữ chỉ các hiện tượng của đời sống chính trị xã hội, nào “hoàng hôn nhiệm kỳ”, “chuyến tàu vét”, “trơ gan cùng bia miệng”… Những từ ngữ đó, có thể do các vị đại diện của dân phát biểu trên diễn đàn nghị trường; rồi nhà báo, nhà nghiên cứu, nhà bình luận sử dụng để gọi tên hiện tượng của đời sống. Chữ nghĩa mất ngủ, thêm thao thức nghĩ suy về nhân tình thế thái.
Có “hoàng hôn nhiệm kỳ” thì cũng có hiện tượng “bình minh nhiệm kỳ”. Bình minh thì phơi phới lên với những cán bộ trẻ, bổ nhiệm mau lẹ khiến dư luận hoài nghi nhưng rồi kết luận… “đúng quy trình”. Hoàng hôn thì mỏi mệt mà còn ký bổ nhiệm cán bộ, duyệt dự án, đi du lịch nước ngoài “học tập”. Sao có hiện tượng lạ vậy? Vì bởi có những điều không minh bạch, trong sáng, lại thêm “tư duy nhiệm kỳ” mới đẻ ra những thứ ấy. Này nhé, 5 năm một nhiệm kỳ, bước đầu đảm nhiệm chức vụ mới phải tìm hiểu, làm quen công việc, rồi triển khai chương trình hành động. Chóng đến giữa nhiệm kỳ, lại lo về chặng cuối. Người hết tuổi bổ nhiệm lo “hạ cánh an toàn”, người còn tuổi đi tiếp có hăng hái đôi chút nhưng cũng phải nhờ vị tiền nhiệm giới thiệu. Cái vòng tròn ấy xoay quần thế nào mà làm ngắn lại tầm nhìn quy hoạch, thậm chí có khi đảo lộn ở “phút 89”. Công tác cán bộ đã vậy thì việc điều hành quản lý của người có chức trách nhiệm vụ được giao thường định tính chứ khó định lượng được. Do thế, trên các diễn đàn, ngôn từ của giới chính khách chỉ đạo công việc cũng thường chung chung, kiểu như có thể gộp lại câu vè: “Phát huy, đẩy mạnh, tăng cường/Tập trung, nỗ lực, khẩn trương, kiện toàn”... Chữ nghĩa trong trường hợp này không gây mất ngủ, trái lại làm… buồn ngủ vì nghe lặp lại mãi đến nhàm. Và buồn, “tim lăn trên đường mòn”!
Chữ nghĩa cũng xôn xao nhiều vì…vạ miệng. Vạ miệng, dĩ nhiên thường rơi vào người có trách nhiệm trả lời công luận mà vấp váp chữ nghĩa. Như chuyện bổ nhiệm cán bộ trẻ, biểu đạt sự đồng tình mà nói vống lên “con lãnh đạo mà làm lãnh đạo là hạnh phúc cho dân tộc” thì gây mất ngủ vì trăn trở. Vậy con nông dân thì cứ cuốc cày, “con sãi ở chùa thì quét lá đa”, có phải là hạnh phúc cho dân tộc? Hay, đời người, hai mươi năm đi học, bốn mươi năm đi làm, về hưu rồi mới “học tập” còn kịp nữa không? Biện bạch rằng “học tập suốt đời” nghe có lý nhưng không hợp lý vì thiếu sự minh bạch chữ nghĩa. Mà đây là đi chơi, đi du lịch, cứ nói trắng vậy, sao phải là “học tập kinh nghiệm”?
Chữ nghĩa cũng thể hiện trách nhiệm, cái tâm của người dùng nó để hỏi hay trả lời. Một vị bộ trưởng đẩy “quả bóng trách nhiệm” cho người kế cận về những gì chưa làm được trong ngành mình phụ trách ở nhiệm kỳ qua, thật buồn cười khi nói “thời gian đã hết, biết phải làm sao”. Những vị cán bộ tiêu xài ngân sách như công tử Bạc Liêu trong khi tỉnh nghèo còn bám vào “nguồn sữa Thạch Sanh” từ ngân sách trung ương cấp, kể cả cứu trợ gạo, mà vẫn cố biện bạch sự cần thiết phải xây trụ sở, quảng trường to đến mấy ngàn tỷ đồng. Trong khi đó việc điều hành phát triển nền kinh tế thì luôn hô hào khẩu hiệu “khai thác tiềm năng”, “tăng trưởng bền vững”, xác định ngành nào cũng là “mũi nhọn” (kết cục hóa ra “múi mít”, mũi nào cũng dàn đều mà sức cạnh tranh yếu dần, tụt hậu).
Người nào còn mất ngủ với chữ nghĩa, có khi trằn trọc thêm. Nếu tìm được cách sửa mình thì tránh được bia miệng người đời. Trái lại, vẫn buồn ngủ với chữ nghĩa, ngôn từ lặp lại như vẹt, không màng đến người ta nói gì, nói cũng như không, xã hội còn mong gì tiến bộ?
NGUYỄN ĐIỆN NAM