Giấc mơ trưa
1. Tựa của một bài hát nhưng cũng tựa chuyện đời, chuyện trời. Mơ mà thực. Bởi trưa thường chập chờn mộng mị về một cõi hoang liêu, nơi trưa này khác những trưa xưa. Và, mùa cũng khác mùa...
Tựa không còn ranh giới của mùa nữa. Lạ thường. Có thể một ngày có bốn mùa. Có thể một năm hai mùa nắng mưa thôi cũng đủ nhưng nghịch dị. Như năm nay mùa xuân thì lũ, nhưng tới mùa lũ thì khô. Còn mùa đông rất lạ. Mùa đông mà có ngày nắng hầm như hè, thêm xao xác tiếng gà gáy trưa. Mưa đông không còn rả rích. Cái lạnh chích vào cành cây còn đâu.
Thao thức mùa không phải bây giờ mới hiển hiện. Cụ Phan Khôi từng “cãi” với các nhà thơ xứ Việt, bảo rằng học đòi, bắt chước lung tung về những cảm thức mùa. Phương Nam làm gì có đủ bốn mùa, làm chi có mùa đông giá rét, tuyết rơi mà thơ văn cứ tả y chang vậy? Nhưng trời đất vần xoay, thời tiết cũng như lòng người, đều khó lường. Thì gọi là biến đổi. Những nghịch dị, bất trắc mà nếu tả đúng cũng bị điểm 0 như… bài văn tả mùa thu của một học trò. Văn mẫu, “đồng phục hóa”, cứ tả xuân lan thu cúc, làm sao nắm bắt những đổi thay, hít thở sự khác lạ của khí trời, của đời?
2. Chìm sâu vào giấc mơ của những con sông, những cánh đồng. Tháng Mười âm lịch từ xưa đã ca “Ông tha nhưng bà chẳng tha/ Cũng còn cây lụt hăm ba tháng Mười”, giờ có nguy cơ cả ông lẫn bà đều tha tất. Chưa bao giờ đồng ruộng xứ Quảng khát khao cơn lụt như năm nay. Chưa bao giờ những con sông thèm được chở nặng phù sa như bây giờ. “Vì những con sông đã cạn nguồn rồi”, các hồ trên núi chặn gần hết, rừng vẫn bị hủy diệt, vài tháng lại lộ ra những mảng rừng nguyên sinh bị đốn hạ không thương tiếc!
Mọi năm, kỳ này là mùa biển động. Nhưng giờ, trưa về biển vẫn có thể tắm táp, thuyền ghe vẫn ra vào. Chỉ có nỗi phập phồng không phải từ gió bão mà từ nạn hải tặc lộng hành. Có tàu ngư dân xứ Quảng ra vùng ngư trường quen thuộc Hoàng Sa, hay ngõ Vịnh Bắc Bộ, bị đội tàu Trung Quốc “cày” rách lưới te tua. Chạy về tới cửa Hàn mà “cục tức” còn ứ nghẹn. Giấc mơ vươn khơi dường như cứ dập dềnh đầu sóng, hiểm nguy rình rập vô lường. Ở nhiều vùng biển tàu cá bị đâm, ngư dân bị bắn, bị bắt. Những cơn ác mộng như thế còn kéo dài khi chính nhà cầm quyền Trung Quốc còn coi Biển Đông là “lợi ích cốt lõi”, rằng các đảo ở Biển Đông thuộc chủ quyền của tổ tiên họ từ xa xưa. Trong quá khứ, giấc mộng của đế quốc La Mã từng sụp đổ vì theo đuổi bá chủ toàn cầu vẫn chưa là liều thuốc đủ trấn an những siêu cường mới nổi hay sao? Việt Nam sẽ làm cách gì để giúp ngư dân mình hiệu quả, làm chủ phần biển của mình?
Báo chí cứ việc phản ánh những chuyện bất bình. Đao búa vẫn vô tình. Thân tâm nào an lạc với lòng tham vô đáy, sát đáy? Mùa vẫn đi qua những lời em kể…
3. Giấc mơ tan đi khi giật mình tỉnh thức. Tự hỏi, giấc mơ đẹp hay ác mộng dường như là ánh chiếu của đời sống thực? Không giải mã hết. Vận động và biến đổi là lẽ của tự nhiên và cũng của xã hội. Có điều tốt lên. Có thứ xấu đi. Con người đứng giữa chông chênh hiện thực và những giấc mộng. Khi “lặng im không một tiếng gà gáy trưa”, giấc mơ trưa như bị bóng đè. Có tình thân ái giữa con người và thiên nhiên, giữa người và người được đắp xây bền chặt thì mới bình yên. Vậy mà, “đó là chân trời hay là mưa cuối trời”, với những khát khao…
NGUYỄN ĐIỆN NAM