Học phí tính bằng... thóc

NGUYỄN ĐIỆN NAM 20/09/2015 14:29

Xong đâu vào đấy mùa tựu trường nhưng vẫn còn râm ran các khoản tiền đóng góp. Thông lệ đầu năm học là họp phụ huynh công bố một bảng kê dài những khoản tiền: học phí, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn học đường, quỹ khen thưởng, tiền sắm đồng phục, quỹ hội (hai loại trường và lớp), phí vệ sinh, nước uống… Một học sinh trung học, ở một trường thành phố của tỉnh lẻ, chi trả hết các khoản trên cũng hơn 2 triệu đồng. Năm nay, bà con la oai oái vì có nhiều khoản tăng, trong đó “đậm” nhất là tiền bảo hiểm y tế học sinh sinh viên thu bằng 4,5% mức lương tối thiểu, tức tăng gần 150 nghìn đồng.

Với một số người mức đóng tiền nêu trên là không lớn nhưng nhà nông mà tính bằng thóc lúa sẽ thấy “quá khủng”. Tính bình quân nhà có hai con đi học, một đại học, một trung học cơ sở, thì vị chi tổng các khoản đóng mỗi năm cũng tới… 25 triệu đồng, quy ra gần bằng 5 tấn lúa. Để có chừng đó lúa phải làm gần một mẫu ruộng (10 sào) qua hai mùa. Gặt xong trút bồ bán hết mới đủ tiền đóng vào đầu năm cho các con, chưa nói còn phải lo cái ăn, ở, đi lại. Chi li vậy để thấy, với nhà nông thêm một đồng đóng góp nào cũng trở thành “giọt nước làm tràn ly” khi họ đã phải gồng gánh cực khổ quá lớn cho con em được đi học.

Đã đành việc đóng học phí hay đóng bảo hiểm y tế là chuyện chẳng đặng đừng với chủ trương “xã hội hóa”. Nhưng việc tăng mức thu nào mà gây ảnh hưởng cho số đông dân chúng thì cần cân nhắc nhiều yếu tố như thời điểm, khả năng đáp ứng, cách làm phù hợp, minh bạch trong quản lý chi tiêu. Ví như tâm lý phản ứng của khá đông phụ huynh không phải hoàn toàn không có cơ sở vì theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng Ban Chính sách Bảo hiểm y tế (Bảo hiểm xã hội Việt Nam), năm học 2014-2015 có 15 triệu học sinh, sinh viên tham gia bảo hiểm y tế, chiếm 88,5%, tuy nhiên số lượt học sinh, sinh viên khám chữa bệnh chỉ đạt dưới 8,8 triệu lượt. Do đó số chi khám chữa bệnh chỉ 1.237 tỉ đồng, bằng 33% so với tổng thu 3.749 tỉ đồng (kết dư 2.512 tỉ đồng). Tiền vẫn dư mà vẫn tăng thu làm sao người ta không đặt dấu hỏi (!?). Mặt khác, nhiều phụ huynh còn phàn nàn về việc chỉ được lựa chọn mua bảo hiểm y tế ở một số bệnh viện, phòng khám nhất định trong khi chất lượng khám chữa bệnh ban đầu thấp. Nhân nói tới cơ sở khám chữa bệnh ban đầu cũng cần lưu ý về hệ thống y tế học đường. Theo báo Người lao động, hệ thống giáo dục phổ thông có khoảng 33.000 trường nhưng 38,7% trường không có phòng y tế, 20,2% trường không có cán bộ y tế. Trong số gần 1.000 trường cao đẳng, đại học, cũng có đến 18,7%  trường không có phòng y tế. Với điều kiện như thế, làm sao người ta mặn mà lắm với tấm thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh, sinh viên(?).

Học phí tính bằng thóc là một cách nhìn đẫm đầy suy tư về thân phận con em nông dân trên bước đường tiếp cận cơ hội giáo dục.

Bảo hiểm y tế tính bằng thóc là sự cân đong đo đếm về những gì người dân phải mua sự an toàn cho sức khỏe trong khi còn cực nhọc để kiếm từng đồng.

Trên con đường đổi mới giáo dục và cải thiện điều kiện y tế, việc phải huy động sự đóng góp của xã hội là đương nhiên, nhưng làm sao cho xứng “đồng tiền bát gạo” người dân bỏ ra là điều cần quan tâm với một hệ thống quản trị hiệu quả và minh bạch.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM