Tiền lá mít
Dư luận cả nước đang xôn xao về vụ xử 25 cán bộ của 5 ngân hàng phạm tội. Tiền đâu phải là lá mít mà một công ty Phương Nam có thể lừa đảo, quỵt nợ các tổ chức tín dụng đến hơn 1600 tỉ đồng? Tiền đâu phải là lá mít để các cán bộ ngân hàng bất chấp những qui định về cho vay để đến nỗi bị lừa đảo? Dẫu biết rằng ngân hàng cũng là một loại hình kinh doanh tiền tệ “đi vay để cho vay” nên có thể cũng rủi ro. Nhưng để doanh nghiệp đi vay kê khống giá trị tài sản thế chấp đến mức ấy mà không nhận biết được, thì lỗi đó trước hết thuộc về cán bộ thẩm định dự án cho vay.
Dường như nhiều người không cưỡng nổi sự cám dỗ của đồng tiền. Cán bộ ngân hàng hằng ngày luôn đối diện với sự cám dỗ ấy không phải ai cũng giữ được mình. Chưa có kết luận 25 bị cáo là cán bộ ngân hàng đang bị xử kia có mấy người không tư lợi khi “mắt nhắm mắt mở” để sai sót quá nhiều trong khâu kiểm tra giám sát quá trình cho vay vốn. Chuyện đó sẽ còn chờ cơ quan chức năng làm rõ.
Thốt nhiên, từ những vụ ì xèo của việc kinh doanh tín dụng khiến người viết bài này lại ngẫm về một kỉ niệm riêng.
Mười lăm tuổi, em vẫn còn má lúm đồng tiền, nhưng đã ra dáng thiếu nữ. Con gái quê lụa thon thả, eo con tằm, mắt lá răm, chỉ cái liếc đong đưa tí tẹo đã khiến đám trai làng hồi hộp, lâng lâng, vờn quanh… Hỏi sau này “đằng ấy” làm chi? Mình mơ được làm như cô gái đứng trong tranh. Em chỉ vào tờ lịch có in hình nữ nhân viên ngân hàng cười tươi như hoa.
Nhớ hồi còn nhỏ xíu, gần nhà nhau nên nàng và tôi hay chơi ô làng. Thua thì “đền” cây kẹo ú bọc lá chuối khô, hoặc có khi cây kẹo kéo vài hào bạc từ chiếc xe cà tàng gõ leng keng của ông bán dạo. Rồi, không đành lòng, đứa nào thắng cũng cho đứa kia cắn tí đầu kẹo đỡ thèm. Lại rủ nhau chơi trò bán hàng, tiền lá mít. Cái túi của nàng là ngân hàng đầy lá mít của tôi. Thi thoảng cũng làm trò “hàng đổi hàng”, lấy khóm mít còn vương bụi phấn thơm đổi lấy trái u ma (trứng gà) vừa ươm chín.
Lớn lên lúc nào chả rõ. Chỉ biết mỗi ngày, da mặt tự nhiên nổi lấm tấm vài hột mụn. Rưng rức một thứ gì cụ cựa nhô lên trên vồng ngực. Đã biết thẹn rồi, không dám tồng ngồng tắm sông nữa. Người lớn bảo, chúng mày không nên chơi chung, ôm vật như xưa. Cái buồn giã từ tuổi thơ dại man mác như hoa sầu đông lả tả bến sông, thật lạ!
Thêm mười lăm năm phiêu bạt nữa, cô gái ngày xưa đã đi về đâu? Nghe nói em đã trở thành một nhân viên ngân hàng ở phương Nam. Lại nghe phong phanh em ăn nên làm ra, là “đại gia” tiêu tiền như lá mít. Chắc chỉ là lời đồn. Ngày xưa em là “ngân hàng nhỏ” của tôi. Trong mắt em, tôi đọc thấy ước mơ lành. Có phải nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển đã tặng em “Bài thơ quê lụa” mênh mang lời nguyện cầu “vì đời tằm nhả tơ”? Mẹ em còn ở làng. Sông quê còn ở đấy. Thu Bồn vẫn xanh nghít lũy tre. Hoa xoan hay sầu đông, thầu đâu vẫn nở nồng nàn. Và tơ lòng tôi giăng mắc về bến sông xưa nhớ một người con gái…
Ôi, tiền là lá mít, tưởng chỉ có trong trò chơi trẻ con, ngờ đâu còn có giữa trò đời!
NGUYỄN ĐIỆN NAM