Phất phơ giữa chợ…
Mấy ngày qua, bà con tiểu thương chợ Tam Kỳ chưa hết xôn xao về vụ bãi thị. Vụ việc tưởng rất nhỏ nhưng là bài học mà những người có trách nhiệm cần ngẫm nghĩ, nhất là với một thành phố đang trên đà phấn đấu lên đô thị loại II.
Ai cũng biết việc quy hoạch, xây mới, sắp xếp buôn bán cho cái chợ là việc rất… ồn. Ồn từ xưa tới giờ chứ đâu phải bây chừ mới có. Trong tỉnh, đã có trường hợp xây chợ mới, tiểu thương không chịu vô nên vắng như chùa Bà Đanh. Lại có nơi như xứ Điện Nam Trung, cái chợ mới to đùng kêu được bà con tiểu thương đóng tiền hợp đồng vào buôn bán vậy mà vừa qua có lúc bị cắt điện nước phập phù, rác rưới để hôi thối. Cũng không hiếm tình trạng, chợ mới thì cứ xây mà chợ “chồm hổm” vẫn tràn ra lề đường, lại phải tốn công dọn dẹp.
Chung quy, chuyện quanh cái chợ thì cũng… ồn như chợ vỡ. Vì bởi khởi phát từ cái nền “văn minh chợ búa” xa xưa giữa lòng xã hội nông nghiệp nên tính lộn xộn của chợ ta đã rõ. Vấn đề là bây giờ lên phố lên phường, muốn văn minh hơn cũng phải bắt đầu từ cái chợ. Mà chuyện văn minh không phải cứ nói là làm được ngay. Còn trì níu tập quán buôn bán. Còn có thứ lam nham lở dở. Còn dân nghèo chạy chợ để mưu sinh. Trộn đủ thứ hàng hóa, dường như với nét quê xứ còn dấu tích, trước chợ người giàu và kẻ nghèo đều sòng phẳng vị thế. Đừng nói ai cũng có thể vào siêu thị, chỉ kẻ sẵn tiền không cần mặc cả. Đừng nói là chợ phải ra chuyên biệt, cần chợ riêng cho hàng áo, hàng quần, hàng vàng, hàng bạc, hàng cá, hàng mắm… Từ quê ra phố, người buôn kẻ bán lẫn người mua đều còn coi chợ là một “nồi lẩu”; người dân quê mùa lên chợ thấy tiện thì xẹt qua chỗ này mua đôi dép, ghé chỗ nọ đong lon gạo, rồi cúi xuống lựa cá mắm đùm về…
Nói vậy để thấy, trên con đường Tam Kỳ đi lên, tham vọng sắp xếp lại chợ cho văn minh là đúng hướng, nhưng “dục tốc” sẽ “bất đạt”. Vì chợ là phải có người bán kẻ mua, hình thành cho “phong thủy” hội tụ đông đúc không dễ, do đó phải dự lường được nhu cầu con người và khả năng thực tế. Tại sao lại nói thế? Thì đây… cụ Các Mác có nói câu rằng “không có bánh mì, không có triết học”. Khi một xã hội còn đói kém, tích lũy tư bản không được bao nhiêu, thì đầu tư cho tầm nhìn tương lai rất khó. Nói cách khác, tầm nhìn của chúng ta bị giới hạn bởi thôi thúc từ dạ dày của chúng ta. Tam Kỳ, dân nghèo thành thị còn đông, thành phố chưa tự cân đối được ngân sách, nguồn kiến thiết thị chính hạn chế, chưa thu hút mạnh người ta đến làm ăn (dân số hiện chỉ khoảng 151.700 người, trong khi chỉ tiêu đô thị loại II là phải có 300 nghìn dân). Lo cái dạ dày còn khó thì nghĩ chuyện xa còn khó hơn. Chuyện sắp xếp cho cái chợ, trước mắt cũng là lo cho dạ dày đã, chứ “phất phơ” ý tưởng xa thì người dân nghèo chưa theo kịp.
Từ cái chợ, nghĩ đến nhiều thứ khác trong quản lý đô thị, hẳn còn phức tạp. Người ta đã đúc kết hàng loạt khó khăn mà hầu hết đô thị Việt Nam đang đương đầu như tình trạng quy hoạch xây dựng chưa hợp lý, buôn bán lộn xộn, hạ tầng không đồng bộ, cấp thoát nước nghẽn mạch, thiếu cây xanh, thiếu nhà ở, nạn ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu công ăn việc làm, lưới điện quá tải… Trong khi đó, không ít nơi, việc chuyển đổi từ mô hình quản lý nông thôn qua quản lý đô thị còn chưa theo kịp, nên cũng “phất phơ giữa chợ” khi giải quyết vấn đề. (Như chuyện chợ Tam Kỳ lùng bùng đã lâu mà chính quyền chậm xử lý rốt ráo).
Việc xây chợ, quản lý chợ, rộng ra là sắp xếp cho thương mại phát triển không đơn giản nhưng sẽ là vấn đề phải đối mặt của đô thị mới nổi, trong đó có Tam Kỳ.
NGUYỄN ĐIỆN NAM