Vàng, ảo và thật

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/06/2015 09:03

Đất Quảng đậm đặc di tích văn hóa, lịch sử gắn với bầu khí quyển đầy truyền thuyết đẫm màu huyền thoại hư ảo. Nhưng thế giới ma mị viễn du trong trí tưởng tượng, có khi lưu vết những ký ức hiện thực (mà ngày nay có người gọi là hiện thực huyền ảo).

Vậy đó là những thứ gì? Thế giới ấy ra sao? Chủ nhân của vùng đất để lại bóng hình thế nào trong di tích lịch sử, văn hóa? Những câu hỏi chưa bao giờ được trả lời rốt ráo và luôn gợi lên nhiều suy tưởng.
Ví như câu chuyện về vàng Hời. Có nhà nghiên cứu tiền bối cho rằng, “Hời” là cách gọi dân gian mà người Việt nói về một bộ tộc trên vùng đất Quảng xa xưa (như Lồi, Lạc). Lại có người đưa ra ý kiến, “Hời” là chỉ chung người Chăm Pa cổ, Chàm, người Chiêm Thành. Chung quy, đó là chủ nhân của vùng đất phương Nam, trước khi người Việt đặt chân đến. Người Chiêm Thành có tục chết thì hỏa thiêu và chôn theo đồ tùy táng (trong truyền thuyết về công chúa Huyền Trân có nhắc tới với một cuộc giải cứu gây nên giai đoạn chiến tranh ai oán dai dẳng). Vì vậy, thường có đồ trang sức bằng vàng được chôn theo và những đấng quyền quý được tạc tượng vàng để thờ. Những mồ mả, miếu thờ, đền đài của người Chăm, từ đó bao phủ một thế giới huyền bí. Ngày còn thơ bé người viết bài này từng nghe các cụ bô lão dặn dò nên tránh đến các mồ mả, miếu đền của người Hời vào những lúc trưa đứng bóng hay đêm khuya, vì dễ gặp ma Hời bắt hồn. Đặc biệt là những câu chuyện gợi sự tò mò về vàng Hời. Người ta thường truyền tụng rằng ở quanh mồ mả hay miếu đền của người Chàm, vào những đêm trăng sáng thường xuất hiện đàn gà vàng. Nghe đồn có người nhìn thấy, lấy vật ô uế (như quần của đàn bà) trùm lên thì bắt được gà vàng. Thi thoảng lại nghe có người nhặt được buồng cau, nải chuối hoặc khuyên tai đầu thú bằng vàng. Điều kỳ lạ là, cũng chuyện đồn đại loan ra, những người bắt/đào được vàng Hời, sau đều bị chết hoặc điên loạn, bệnh tật vô phương cứu chữa.

Thực hư chuyện vàng Hời còn chìm trong bóng tối. Một phần “lộ thiên” là những tượng dát vàng được ghi nhận từng hiện diện. Và, những cổ vật còn quý hơn vàng đã bị lấy cắp hoặc cưỡng đoạt vì giặc giã rất nhiều. Ngay như Đồng Dương (Thăng Bình), đầu thế kỷ XX, các nhà khoa học thuộc Viện Viễn Đông Bác Cổ Đông Dương đã phát hiện 229 tác phẩm quý hiếm thuộc hàng bậc nhất của nền văn hóa Chăm Pa cổ đại, nhưng giờ còn được mấy mươi(?). Cho đến những năm đầu giải phóng, Đồng Dương còn bị nhiều cuộc đào bới băm nát để tìm cổ vật, tìm vàng Hời.

Vàng Hời, thật hay ảo, chưa có công trình nghiên cứu nào đúc kết toàn diện. Điều mà chúng ta ngày nay phải cảm ơn tiền nhân là đã để lại “kho vàng” với những di tích vô giá. Đến Quảng Nam, đi đâu cũng gặp di tích Chàm. Không chỉ là Mỹ Sơn đồ sộ, mà còn có Trà Kiệu, Đồng Dương, Bằng An, Chiên Đàn, Khương Mỹ, cùng nhiều mộ cổ, miếu đền, di chỉ… Và, trong lòng đất lâu lâu lại phát hiện ra cổ vật, hiện vật của nền văn hóa Chăm (như di tích Triền Tranh mới đây). Vấn đề là, với “kho vàng” ấy, ta giữ gìn, bảo quản, tôn tạo, phát huy giá trị ra làm sao. Tỉnh cũng đã đề ra quy chế “Quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh”, mà theo đó cấp huyện sẽ trực tiếp chịu trách nhiệm về quản lý di tích trên địa bàn huyện. Song, nhiều địa phương cho rằng vẫn chưa thích ứng để tìm ra cách bảo tồn, phát huy hợp lý các giá trị của di tích.

Di sản, vàng thật đất, cần biết giữ gìn.
“Cầm vàng mà sợ vàng rơi…”

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM