Hồn cây - hồn người

ĐIỆN NAM 14/06/2015 07:58

1. Cây ổi “biết cười”. Cây đa thị “chung tình”. Cây lim “dâng hiến”. Đó là ba cây gắn liền với khu di tích Lam Kinh (Thanh Hóa) nhiều huyền thoại. Khu di tích này như là thế miếu của nhà Hậu Lê, với nhiều lăng mộ của các vua, trong đó có lăng của người anh hùng Lê Lợi (sau là vua Lê Thái Tổ) và vị thánh quân Lê Thánh Tông, người có công lớn mở cõi trời Nam, lập đạo thừa tuyên Quảng Nam năm 1471.

Cây ổi mọc trong khuôn viên lăng mộ vua Lê Thái Tổ. Khi tôi đến tham quan, lấy ngón tay cù nhẹ vào nách cháng ba của cành nhánh từ thân gốc, thì lá cây rung rinh nhịp nhàng như vẫy cười, dù không có tí gió nào thoảng qua. Thật lạ! Người ta cũng kể rằng, cây ổi này vốn được một người dân ở Nam Định cung tiến khi cầu tự được như ý. Cây gốc đã chết ở tuổi gần trăm năm nhưng cây chiết cành thì còn và chỉ trồng trong khu lăng vua mới “biết cười như thế.

Ở gần nghinh môn vào sân rồng điện Lam Kinh có cây đa thị to, gần chục vòng tay người ôm mới xuể, tuổi hơn 300 năm. Nguyên chỗ đó có cây thị xanh tươi, rồi chim về đậu, nhả hạt đa xuống làm nảy lên cây đa ôm lấy cây thị. Mấy trăm năm quấn quít, gốc đa xòa ra ôm chặt cây thị vào lòng, “chung tình” cho đến khi cây thị chết vẫn ôm lấy nhành khô.

Còn cây lim 600 năm tuổi, đang xanh tươi thì năm 2010 tự dưng rũ lá khi dự án phục hồi phỏng dựng Chính điện Lam Kinh được phê duyệt. Nửa năm sau cây chết cũng là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành. Năm 2011, nhân dịp giỗ Bình Định Vương Lê Lợi, tỉnh Thanh Hóa đã làm lễ “phạt mộc” cây lim này và phát hiện ra nhiều điều trùng hợp ngẫu nhiên và kỳ lạ. Thường các cây lim cổ thụ sẽ bị tiêu tâm (rỗng ruột), nhưng riêng cây lim này thì không, rất phù hợp để làm trụ cột các tòa nhà lớn như công trình phỏng dựng chính điện với quy mô 9 tòa nhà gỗ lim đồ sộ nhất Việt Nam. Người ta phân được 4 khúc gỗ lớn từ cây lim này. Phần gốc cây làm được một cột cái, ngọn cây vừa với gương tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một cây đòn đông. Kỳ lạ quá! Cây lim này như thể dành để “dâng hiến” cho việc trùng tu chính điện Lam Kinh vậy.

2. Không gắn với huyền thoại như các loài cây ở đất Lam Kinh nhưng Quảng Nam cũng có nhiều cây di sản. Điển hình như quần thể 3 cây ngô đồng đỏ cổ thụ tại dốc suối Tình, thôn Bãi Làng; cây đa ở sườn đông Hòn Lao và cây kén, cây nánh tại miếu Tổ nghề yến, thôn Bãi Hương, được công nhận là cây di sản Việt Nam cuối tháng tư rồi. Trong đó, tôi ấn tượng với cây ngô đồng nhất. Quần thể 3 cây ngô đồng có tuổi đời từ 155 đến 250 năm. Khác cây ngô đồng ở Huế (được khắc trên Cửu đỉnh), thường có hoa màu vàng nhạt hay tím hồng, hoa ngô đồng Cù Lao Chàm có màu đỏ cam, nên được gọi là ngô đồng đỏ.

Tôi muốn gọi cây ngô đồng Cù Lao Chàm là loài cây “biết thảnh thơi và thăng hoa”. Vì rằng ở cái hòn đảo thường hứng gió bão này, cây biết giữ chiều cao vừa phải, chừng 5-10m, sống chung với các loài và chọn sườn núi phía tây được che chắn ít gió để sinh tồn. Vào mùa hạ, khoảng tháng 4, lá cây bắt đầu ngả vàng; tháng 5, lá dần rụng đến hết tháng 6. Gần bước sang thu, tháng 7-8, trên những cành đã trút hết lá, ngô đồng ra hoa, rồi toàn thân rưng rức trổ một màu đỏ cam rực rỡ. Cổ thi có câu “Ngô đồng nhất diệp lạc/thiên hạ cộng tri thu”(Một lá ngô đồng rụng/ thiên hạ đều biết thu), mô tả thời khắc ngô đồng trút lá để ra hoa. Một mối liên tưởng hồn cây như hồn người đợi chờ phút giây thăng hoa khi thảnh thơi buông bỏ ưu phiền. (Nhân tạt qua bàn chuyện thế sự. Anh Nguyễn Sự, Bí thư Thành ủy Hội An vừa xin nghỉ hưu trước hai năm, cũng là sự thường thôi như cây tới mùa thì trút lá. Anh nói đừng như tàu chuối già bám níu không chịu rụng. Tôi thiển nghĩ, cây ngô đồng Cù Lao Chàm đã nói lên triết lý ấy từ mấy trăm năm rồi).

3. Biết cười, biết chung tình, biết dâng hiến, biết thảnh thơi và thăng hoa, đó là những gì mà hồn cây muốn gửi đến người. Còn người sẽ gửi gì cho cây? Từ muôn trùng xa xôi đời xưa gửi lại cho hậu thế, bao bàn tay đã gieo trồng trên đất Việt những loài cây trở thành di sản như một lời nhắc nhớ trở về nguồn cội “tự nhiên nhi nhiên” để hồn người hòa điệu cùng đất trời.

ĐIỆN NAM

ĐIỆN NAM