Vua và phật

NGUYỄN ĐIỆN NAM 31/05/2015 06:50

Trước thềm Phật đản, chúng tôi vừa có dịp viếng thăm Yên Tử - một vùng đất tổ của nhà phật, ở Quảng Ninh. Nơi đây, vua Trần Nhân Tông, sau 2 lần thống lãnh quân nhà Trần đánh thắng giặc Nguyên Mông, đã chọn làm chốn tịnh niệm tu hành, quán thông tư tưởng và sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử là dòng phật giáo đặc trưng dân tộc với vị tổ thứ nhất là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Ngài đã cho xây dựng hàng trăm công trình trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh giảng đạo.

Vì sao một vị vua ở đỉnh cao quyền lực, sau khi làm nên những chiến công oanh liệt, lại rũ bỏ ngai vàng đi tu theo nhà phật? Đây quả là câu hỏi lớn mà giới nghiên cứu chưa thể trả lời rốt ráo nay mai. Chỉ biết rằng, lịch sử đã minh chứng  vua Trần Nhân Tông là vị anh hùng dân tộc, đồng thời là nhà tư tưởng với ý thức độc lập dân tộc, tự chủ, tự cường rất cao. Ông đã thống nhất ba dòng thiền (Ấn Độ, Trung Hoa, Việt Nam) làm một, thể hiện sự tiếp biến văn hóa, hội tụ tinh hoa của nhân loại cùng dân tộc để dựng nước và giữ nước. Sẽ còn mất nhiều năm tháng để nghiên cứu và làm sáng rõ giá trị của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, ví như quan niệm tu hành rất gần gũi với quảng đại quần chúng. Đó là tu ở tâm – tâm tức phật, phật tức tâm. Lối tu ấy ở núi non cũng được mà xuống tận nhà dân cũng chẳng sao. Phật tới tận tâm người mới quý, kết nhân tâm lại thành một. “Sơn vốn vô phật làm xong/Phật ở trong lòng bụt ở mỗ tâm”; hay: “Muôn nghiệp lặng an nhân thể tính; Nửa ngày rồi tự tại thân tâm; Tham ái nguồn dựng chẳng còn nhớ châu yêu ngọc quý; Thị phi tiếng lặng, được nghe yến thốt oanh ngâm”. Có thể hiểu đây là con đường tu hành thông qua tự giác ngộ bản tính phật trong mỗi con người.

Non thiêng Yên Tử giờ đây trở thành nơi hành hương của hàng triệu người Việt. Ngành du lịch Quảng Ninh cho biết hằng năm có hơn 2 triệu khách đến tham quan Yên Tử. Du lịch tâm linh giờ trở thành nguồn sống của thế nhân. Các bậc tiền bối từ Trúc Lâm tam tổ đến các vị sư thầy trên Bạch Vân, Hoa Yên, chùa Lân, chùa Đồng… dường như đã tiên cảm đến một ngày Yên Tử viên thành lòng người khắp xứ.

Trong lúc mà câu chuyện “làm vua” nơi trần thế cũng lắm bề trắc trở tranh đua, người ta có kịp về Yên Tử để lắng lòng tịnh niệm? Gương Phật Hoàng Trần Nhân Tông như trăng treo đỉnh núi nhắc nhớ cho những ai đang trên đường lên cao danh vọng phải biết cúi nhìn thế nhân, nhìn về nhân dân. Có vị tu hành giảng rằng nhiều người theo Phật chủ trương không vọng động để không tạo tác. Nhưng khi cần tạo tác thì nên tạo tác theo nhu cầu thiết yếu của đời sống một cách lương thiện, không hại mình hại người, chứ không nên vọng động tạo tác với chủ ý bất thiện. Thế sự đang nóng bỏng, cần tiếng nói chung của nhân loại, trong đó có cả những người ở cửa phật. Cần một sự tạo tác với ý niệm hướng thiện, lên án cái ác, khuyên con người cần biết suy ngẫm để buông bỏ những gì không thể cầm nắm được.

Vua mà làm phật, phật mà làm vua, lối ứng xử văn hóa đó còn để cho chúng sinh hậu thế những điều trắc ẩn, nghĩ suy. Vua Trần Nhân Tông ở tuổi trung niên đã từ giã ngai vàng để dành cho lớp trẻ cơ hội tiến thủ, còn riêng ngài chỉ cố giữ phần hồn cho dân tộc. Ngày Phật đản, lại nhắc câu chuyện Phật giáo đồng hành với dân tộc, với chúng sinh, có phải từ đó mà duyên khởi? Thôi thì, hãy cứ ngước nhìn lên những vầng mây là đà bay trên non thiêng Yên Tử…

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM