Suy tư chính sách
Ở tầm quốc gia, chính sách là tập hợp các chủ trương và hành động về phương diện nào đó của chính phủ bao gồm các mục tiêu mà chính phủ muốn đạt được và cách làm để thực hiện các mục tiêu đó. Chẳng hạn chính sách về phát triển nông thôn là tập hợp các chủ trương và hành động của chính phủ nhằm tạo cho nông thôn phát triển bằng cách tác động vào việc cung cấp các yếu tố đầu vào (đất đai, lao động, vốn, cơ sở hạ tầng), tác động tới giá đầu vào hay giá đầu ra trong nông thôn, tác động vào chuyển giao công nghệ v.v. Còn ở tầm địa phương, chính sách cũng mang định nghĩa như vậy, với phạm vi tác động hạn hẹp hơn. Như vậy, chung quy chính quyền nhà nước điều hành qua chính sách, sử dụng công cụ chính sách để vận hành nền kinh tế - xã hội.
Vì sao gần đây có những chính sách ban hành lại gây nên nhiều suy tư? Ví như, chính sách bảo hiểm xã hội (sửa đổi) làm công nhân lo lắng. Họ lo vì có quy định chỉ giải quyết chi trả bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu. Muốn đủ điều kiện hưởng lương hưu với mức tối đa (75%) thì nam phải đóng bảo hiểm xã hội 35 năm và nữ là 30 năm. Người nào đủ tuổi đời nhưng chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm thì được đóng cho đến khi đủ điều kiện hưởng lương hưu. Sau những vụ việc công nhân phản ứng, Chính phủ đã ghi nhận và cam kết sẽ đề đạt Quốc hội xem xét (điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2014) theo hướng cho người lao động quyền lựa chọn được hưởng một lần hoặc tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu. Soi rọi thực tế từ phía khác, đây cũng là bài toán không đơn giản, “không dễ hiểu” với người lao động, nhất là trong bối cảnh có nhiều doanh nghiệp lách luật bằng các hợp đồng lao động thời vụ, ngắn hạn hoặc thu tiền đóng bảo hiểm của công nhân nhưng không nộp cho Nhà nước. Với địa bàn Quảng Nam, nơi đang xây dựng nhiều khu công nghiệp, nhà máy, thu hút hàng chục nghìn lao động, đây cũng là vấn đề cần lưu tâm.
Việc nghiên cứu, tham mưu ban hành chính sách đã khó thì tổ chức thực hiện, đưa chính sách vào đời sống còn khó hơn. Trong tuần qua, Báo Quảng Nam đã thông tin về việc chậm thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về hỗ trợ đóng tàu xa bờ cho ngư dân. Rồi trong chính sách di dân tái định cư, có chuyện bỏ lửng việc cấp quyền sử dụng đất cho người dân suốt chục năm trời. Những vụ việc đó cho thấy sự thiếu đồng bộ trong tổ chức thực hiện chính sách.
Trong quản trị học, người ta đã khái quát quy trình để ban hành chính sách, bao hàm cả việc dự báo phản ứng của xã hội (của đối tượng tác động); việc đảm bảo điều kiện cần và đủ để thực hiện chính sách; lựa chọn hoàn cảnh để ban hành chính sách. Về xây dựng chính sách phải xác định mục tiêu, đối tượng thụ hưởng và đối tượng khuyến khích hay hạn chế, cùng với các giải pháp tổ chức thực hiện. Khoa học là vậy, nhưng trong thực tế quy trình đó đã không được đảm bảo đầy đủ các khâu nên mới gây nên những hiện tượng nói trên.
Một chính sách tốt phải đáp ứng nhu cầu thiết thực của đời sống.
Một chính sách tốt phải giải quyết song hành quyền lợi và nghĩa vụ của đối tượng thụ hưởng một cách phù hợp.
Chính sách tốt luôn phải hội đủ thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
NGUYỄN ĐIỆN NAM