Sương xuân

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/03/2015 09:10

Ý vị xuân vẫn còn mà tết thì đã hết. Sau những lời chúc đầu năm vang lên bao ước vọng, người ta lại ra quân sản xuất, kinh doanh, đưa đời sống tiếp tục vòng quay của cuộc mưu sinh. Hành trình của đời người, được trăm cái tết thì cũng hết hai phần ba lo chuyện sinh tồn, phải không, lễ nghĩa trăm bề…

Với người Quảng nói riêng, người Việt nói chung, tết là dịp về quê xứ thăm viếng gốc phần hương hỏa. Huyên đường, từ đường còn đó, đất xưa còn mấy cố nhân. Mẹ già như chuối chín cây. Người chị tảo tần sớm tối. Dường như sương xuân phả trên đường làng, qua mấy rặng tre già, chỉ còn cánh đồng xanh mênh mông gợi lên tiếng gọi mùa đi mãi. Khu vườn của cha mẹ để lại, giờ chị trồng rau húng, rau răm, dậy lên mùi nhớ, mùi thương với chút hương xưa. Nhưng nhịp điệu của tết với mùa rau cỏ vẫn vậy, đẫm sương đêm vai áo chị. Nhờ nắng xuân phơi phới, mưa bụi lây phây, rau ngò, xà lách, tần ô… vượt lên nõn nà. Khu vườn nhìn rất đẹp, xanh tươi, mát mắt. Nhưng khuya ngày hăm chín, chị còn nhổ, bó, cắt, rửa, xếp, cột… quang gánh ra chợ cho kịp phiên. Cả gánh rau nặng trĩu chỉ kiếm được mấy chục ngàn đồng bởi ai cũng trồng rau được, ai cũng kìn kịt ra chợ. Quần quật thế đến chiều tối 30 Tết thì mệt quá ngủ vùi đến trưa mùng Một. Lọ mọ dậy sửa soạn cúng cơm ông bà, đi thăm viếng vài chỗ, thêm được ngày mùng Hai rồi mùng Ba lại kiếm rau ra chợ. Tết của chị, của các bà, các mẹ ở quê chỉ có bấy nhiêu. Hỏi, dầm sương đêm, dãi nắng chiều nắng sớm, mà thu nhập không nhiều nhặn thì cố để làm gì? Chị bảo để có thêm ít đồng mắm muối dầu chè, để dành dụm, hay chỉ để vườn xanh. Xuân về mà nhìn khu vườn khô khốc, trơ trọi ai mà chịu được. Tết mà không có  gì cho ngày chạy chợ thì chẳng còn ý vị nữa. Có thể khổ đã quen. Có thể mùa màng với nhà nông là nhịp điệu cuộc sống. Có thể niềm vui thú chỉ giản đơn là nghe được, sờ được, cảm được hơi thở đất đai đang phả lên ngọn rau mơn mởn. Và, có thể, khách thị thành ở phương xa về quê không thể nào hiểu được.

Điều có thể biết được là còn một bộ phận dân nghèo, thu nhập thấp. Bởi vậy, dịp tết, mỗi ngày thấy ấm áp hơn là sự quan tâm chăm lo cho người nghèo. Rất nhiều tỷ đồng sắm quà và hỗ trợ. Rất nhiều nhà hảo tâm, doanh nghiệp cùng chung tay với Nhà nước, các đoàn thể lo tết cho đồng bào vùng sâu, vùng xa còn nghèo khổ. Trong tết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, chính quyền, các đoàn thể cũng dành thời gian đến thăm tết ở những nơi còn khó khăn. Cái tết, nhờ vậy càng nồng ấm hơn với ý nghĩa nhân văn.

Xuân đến, xuân đi, xuân lại lại… Trong vòng chu chuyển của trời đất nhân gian, để sương xuân không còn đẫm vai áo người nghèo thì công cuộc chống đói nghèo cần phải đi vào gốc rễ. Tạo cơ hội việc làm, thu nhập, hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi mô hình trồng trọt chăn nuôi, chuyển dịch lao động… chính là lo từ gốc rễ. Có như thế, mới có xuân và lòng người có tết. Lòng đã tết, tết hết vẫn còn xuân!

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM