Kêu làm sao?

PHAN HOÀNG 08/02/2015 07:58

Định kỳ vào ngày 5 hằng tháng, lãnh đạo tỉnh chủ trì buổi tiếp doanh tại trụ sở làm việc của Ban xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp để xem xét, giải quyết khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp. Sau 4 lần tổ chức, hôm qua (5.2), cuộc gặp định kỳ này đã bị hoãn bởi lý do được Ban Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra là “doanh nghiệp bận lo giải quyết nội bộ cơ quan”. Được biết, không như những lần khác, lần họp thứ hai năm 2015 không có ý kiến doanh nghiệp nào gửi đến “than phiền” khó khăn hay vướng mắc và cũng không có doanh nghiệp nào đăng ký tham dự cuộc đối thoại này. Doanh nghiệp bận quay cuồng với công việc cuối năm hay họ đã không còn khó khăn hoặc họ thờ ơ với chuyện đối thoại với chính quyền?

Trong khi đó, giữa tuần qua, một số doanh nghiệp xây dựng đã gọi điện cho đường dây nóng của Báo Quảng Nam, bức xúc về việc Ban quản lý dự án một huyện phía bắc đăng thông báo mở thầu trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuy nhiên khi đến ngày mở thầu lại tìm mọi cách tránh né việc bán hồ sơ mời thầu. Điều đáng nói là công trình trong gói thầu này lại được thi công ngay trong ngày mở thầu. Thông tin từ các doanh nghiệp xây dựng cho rằng, giám đốc ban quản lý dự án huyện này có “sân sau”. Và cứ thế vừa đá bóng vừa thổi còi. Doanh nghiệp ức vì liên tục bị cho “chầu rìa” nên tuyên bố, chuyến này làm cho “ra ngô ra khoai” chuyện dích dắc của việc mở thầu này, bất chấp có thể bị chính quyền o ép, mất lợi thế trong làm ăn. Một người bạn tôi là chủ doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc nói rằng, hơn mười mấy năm tham gia thương trường, anh không nhớ đã bao nhiêu lần mình tham gia các cuộc đấu thầu. Và điều anh chắc như đinh đóng cột, rằng chả có cuộc nào là thiệt, toàn là chân gỗ cả (!?). Mọi thứ đều được dàn xếp ổn thỏa. Như vậy vừa tốn tiền vừa tốn công sức của cả doanh nghiệp và chính quyền. Điều bạn tôi nhận định có thể không hoàn toàn đúng nhưng rõ ràng, cái khó với doanh nghiệp vẫn còn quá nhiều, không chỉ là tiếp cận nguồn vốn, cơ hội mà còn cả cơ chế nữa. Trong môi trường kinh doanh quá nhiều áp lực ấy, doanh nghiệp phải luôn tự tìm cách phòng vệ. Nhà nước đã từng dùng chính sách để “cứu” doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng cái kiểu “bao sân” như ở Ban quản lý dự án huyện nọ thì doanh nghiệp phải làm sao?

Còn nhớ tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp hồi đầu năm, với các kiến nghị của doanh nghiệp về vấn đề vay vốn ngân hàng, xin cấp phép vùng nguyên liệu, mở rộng diện tích nhà xưởng và cấp điện cho dự án công nghiệp vùng nông thôn; Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Văn Thu đã cam kết, tất cả kiến nghị sẽ nhanh chóng được giải quyết trên cơ sở hợp tác giữa chính quyền, cơ quan quản lý và doanh nghiệp. Sau 1 tháng, chưa biết trong các kiến nghị của doanh nghiệp, có kiến nghị nào được giải quyết rốt ráo nhưng có lẽ, cam kết của lãnh đạo tỉnh như vậy cũng giúp doanh nghiệp yên tâm phần nào.  Vì vậy, tôi gợi ý để chủ các doanh nghiệp xây dựng đăng ký tham dự cuộc đối thoại định kỳ với lãnh đạo tỉnh nhưng thứ nhất, họ chưa được biết đến cuộc đối thoại định kỳ này (dù tỉnh đã tổ chức 4 lần). Thứ hai, họ cho rằng, khó khăn vướng mắc kiểu như của Ban quản lý dự án huyện tạo ra như vậy, họ biết lấy bằng chứng nào mà “kêu” với lãnh đạo tỉnh đây? Có chăng cũng chỉ là xử lý việc anh thông báo mở thầu mà lại không bán hồ sơ mời thầu thôi!. Còn việc “các sân sau” thâu tóm hết cơ hội làm ăn của họ, thì họ biết kêu đường nào?

PHAN HOÀNG

PHAN HOÀNG