Chung một cội nguồn

NGUYỄN ĐIỆN NAM 25/01/2015 07:59

Vào tháng Chạp rồi, bỗng miên man nghĩ về gốc phần tộc họ. Nghĩa chữ “Chạp” là gì? Giản dị rằng, có thể dân gian gắn tên gọi tháng 12 âm lịch với kỳ dịp giỗ chạp ông bà tổ tiên.

Thờ cúng gia tiên là một nét đẹp trong tục lệ dân gian. Đó là cách tri ân tiền nhân đã bao đời dựng xây cơ nghiệp, cũng là cách dặn nhau rằng “cây có cội, nước có nguồn”.

Người Quảng trong nhà luôn có “ly hương, bát nước” để thờ ông bà, là ý nghĩa vậy. “Trong nhà” thì thế, rộng ra “ngoài họ” đến làng xã lại có tục thờ các vị thủy tổ, “Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh khai cơ” mà nhiều nơi chung góp cả cộng đồng để thờ.

Vì sao mà chung thờ các vị với nhau được?

Quan niệm dễ hiểu là trên mảnh đất Quảng Nam ngày nay, trải qua bao thăng trầm của lịch sử đã có nhiều dòng họ, tộc họ chung góp công sức, máu xương để dựng cơ đồ. Nhưng không chỉ ở Quảng Nam, rộng ra là cả dải đất Việt Nam, ý thức về nguồn cội chung, từ “đất” và “nước” hợp sinh, từ “tiên” và “rồng” tái tạo, đều có nghĩa quy trăm họ vào một cội rễ. Cho nên ở miền Bắc, sự quy tụ vùng với các vị tiền nhân vào thờ ở nơi trung tâm giao lưu của các tộc họ (là đình làng, đền miếu xã tắc) chính vì trọng nghĩa cội nguồn chung. Mang theo truyền thống, các dòng họ trên bước đường mở nước về phương Nam lại có thêm hoàn cảnh “kề vai sát cánh” đã gìn giữ tục thờ chung. Còn nhớ, trong một chuyến điền dã thực tập dài ngày về các di tích cổ của Huế, tôi đã bắt gặp khá nhiều hình ảnh thờ chung này ở các nhà thờ, đình miếu, trong đó nổi bật là đình Dương Nổ. Nơi đây, 10 học tộc đã được đặt linh vị thờ và hằng năm được tế tự chung.

Rồi hành trình mở nước mạnh mẽ của cha ông, vượt đèo Hải Vân, từ thế kỷ XV, lại nối tiếp cho truyền thống ấy. Ở mảnh đất cổ như Điện Bàn, có thể ví dụ về nhà thờ 10 họ ở làng Phước Kiều (Điện Phương). Nhà thờ tổ của 10 họ ở Phước Kiều được con cháu hậu duệ 18 đời của làng xây dựng nên. Ở đây, ngoài gian chính thờ tổ sư của 10 tộc (Dương Ngọc, Trần Văn, Trần Trung, Trần Dương, Nguyễn Bá, Đỗ Văn, Đỗ Ngọc, Phan Viết, Đoàn Văn, Lê Văn). Có thể dẫn thêm ví dụ khá đặc biệt về biểu tượng thờ chung của các tộc họ người Quảng qua nhà thờ Ngũ xã Trà Kiệu. Mười ba vị tiền hiền có công khai khẩn đất Ngũ xã và hơn 20 vị hậu hiền khai canh khai cơ cho dân bổn xứ đã được lập vị thờ. Việc tế tự hằng năm được duy trì nhưng không chỉ thuần túy để cúng bái mà bên cạnh đó, người ta đến nhà thờ Ngũ xã còn để biết được và mãi ghi nhớ lịch sử của một vùng đất trải qua hàng trăm năm nhọc nhằn tạo dựng.

Như vậy không chỉ quan niệm cội nguồn chung mà còn vì bối cảnh lịch sử, tục thờ chung các tổ của các tộc họ người Quảng gắn chặt với lịch sử vùng đất. Nếu như các dòng tộc vốn gắn với một nền văn hóa Chămpa (như Ôn, Ma, Trà, Chế...) trước đó có những biểu tượng chung ở những đền đài, điện miếu thì khi giao lưu văn hóa mở ra thời Đại Việt, các dòng tộc từ miền Bắc vào đây đã dung hòa ý nghĩa nguồn cội của mình ngay trên vùng đất mới. Vì thế không chỉ có các nhà thờ chung của các vị thủy tổ người Việt có công với vùng đất mà cả cộng đồng người Quảng dường như đều có ý niệm như vậy. Do vậy, ngoài các đình làng, nhà thờ chung của dòng tộc mình, người Việt còn thờ tự ở đền miếu những vị phúc thần như Thiên Y A Na (hay bà Bô Bô phu nhân ở Thu Bồn) và coi sự thờ  ấy là chung cho cả cộng đồng.

Sẽ thấy một điều rằng, đã có mối dây đoàn kết các tộc họ trên vùng đất Quảng qua tục thờ chung. Trong việc xây dựng đời sống văn hóa, các làng xã văn hóa nếu biết lấy cội rễ tộc họ gắn với mối dây đoàn kết đó sẽ phát triển lối ứng xử cộng đồng thành nét đẹp vô cùng quý giá.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM