Trong tiếng chiêng ngân…
Đại hội các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam lần thứ II - 2014 đã được tổ chức vừa qua. Thành công thì đã rõ rồi. Tiếng chiêng cho ngày vui sẽ còn ngân vang. Bởi vì từ một xuất phát điểm quá thấp, những miền đất của đồng bào dân tộc thiểu số anh em đã có những sắc màu tươi mới từ hạ tầng kinh tế - xã hội. Các Chương trình 30a, 134, 135, cùng các chương trình giảm nghèo với hơn 2.500 tỷ đồng hỗ trợ cho miền núi,… đã giúp đồng bào ổn định cuộc sống, vươn lên; khôi phục và phát triển nhiều làng nghề truyền thống; xây dựng hơn 80% làng, bản có nhà sinh hoạt truyền thống; đầu tư phát triển nhiều điểm du lịch cộng đồng; đặc biệt về giáo dục đã có 280 trường học với 37.961 học sinh người dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi.
“Tiếng chiêng” vui cũng vang lên với núi, khi trên vùng cao đã hình thành các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả như mô hình trồng cây đẳng sâm, ba kích, chăn nuôi gia súc tập trung (Tây Giang); mô hình trồng sâm Ngọc Linh, cây bời lời đỏ (Nam Trà My); mô hình phát triển cây cao su tiểu điền ở các huyện Phước Sơn, Nông Sơn, Đông Giang, Hiệp Đức,… Tại đại hội, người ta cũng nghe được “tiếng chiêng” của A Nông (Tây Giang) – xã điểm xây dựng nông thôn mới với những thành quả đáng mừng; thấy được những điển hình như Hồ Văn Nghĩa (Sông Trà – Hiệp Đức) làm mô hình nông lâm kết hợp chăn nuôi bò thoát nghèo bền vững, hay như Hồ Văn Lượng, Hồ Văn Du, Hồ Văn Hinh, Hồ Văn Phải (Nam Trà My) đã trở thành những “tỷ phú” sâm Ngọc Linh.
Mừng! Vui! Nhưng rồi một phút lắng lòng nghe tiếng chiêng trong ngày đại hội cũng còn có đoạn ngập ngừng, trầm xuống, gợi lên điều phải trăn trở, suy ngẫm. Đó là tồn tại lớn sau 5 năm thực hiện quyết tâm thư đại hội lần thứ nhất: tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn lớn, tốc độ giảm nghèo chậm, nguy cơ tái nghèo cao. Cụ thể thế nào? Năm 2013, trong 9 huyện miền núi, thì “dẫn đầu nghèo” là Nam Trà My, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 72%, Nam Giang: 62,68%, Phước Sơn: 53,68%, Nông Sơn: 52,8%, Bắc Trà My: 52,78%, Tây Giang: 51,98%, Đông Giang: 42,11%, Hiệp Đức: 31,75%, Tiên Phước: 16,87%. So với tỷ lệ hộ nghèo bình quân của tỉnh là 14,9% thì rõ ràng miền núi tụt quá xa. Đáng nói hơn, thu nhập bình quân ở vùng đồng bào thiểu số miền núi chỉ đạt 7,26 triệu đồng/người/năm. Do những khó khăn, vướng mắc từ nhiều phía mà phương hướng, mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 cũng còn e dè, ngập ngừng, với tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22%, thu nhập bình quân 18 triệu đồng/người/năm (bằng mức bình quân đầu người của tỉnh hiện nay). Hành trình 5 năm nữa, có miền xuôi nào chờ miền núi tiến kịp như ước mơ lâu nay? Nguy cơ tụt hậu xa hơn là tiếng chiêng cảnh báo để những ai nặng lòng thương núi, nhớ đồng bào nghĩ về ân nghĩa những ngày đói cơm lạt muối họ vẫn đùm bọc chiến khu xưa.
Có lẽ hình ảnh Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trao tặng đại hội bức trướng mang dòng chữ “Nhân dân các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Nam đoàn kết, giúp nhau vươn lên, giảm nghèo bền vững”, đã hàm hết ý nghĩa và những mong đợi đối với gần 130 ngàn đồng bào Cơ Tu, Co, Xê Đăng, Gié Triêng, Hoa, Mường, Tày, Nùng,… đang sinh sống trên mảnh đất này. Giảm nghèo, thoát nghèo bền vững cho miền núi, phát triển sinh kế cho nhân dân ở vùng các dân tộc thiểu số là “tiếng chiêng” cần tiếp tục đánh lên như một lời hiệu triệu cả hệ thống chính trị, cả cộng đồng xã hội và cả những nguồn lực, tấm lòng, những suy tư kế sách thực sự hiệu quả để giúp đồng bào anh em.
NGUYỄN ĐIỆN NAM