Rừng có mạch, vách có tai
Kín như rừng cũng có những lối đi nhỏ (mạch) người ta có thể biết được, kín như vách người ta cũng có thể nghe được. Xưa ông cha ta đã nhận xét vậy, nhưng bây giờ chưa hẳn đúng vậy (?!).
Thì đây, chuyện còn đang nóng hổi với vụ phá rừng quy mô lớn ở thượng nguồn sông Thu Bồn. Tại tiểu khu 640, 642, 644, 645 thuộc vùng sâu, vùng xa, giáp ranh giữa Nông Sơn và Phước Sơn, lực lượng chức năng đã phát hiện số lượng lớn gỗ xẻ gồm 257 phách gỗ, tổng khối lượng hơn 51m3 gỗ các loại thuộc nhóm từ I đến VII như chò, gõ, huỷnh, xoan đào. Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) loan tin vào tối 17.9 và ngày 18.9, số gỗ quý trị giá hàng tỷ đồng này được tập kết theo đường dây khép kín liên huyện hoạt động một thời gian dài, không chỉ khai thác trên địa bàn huyện Nông Sơn, mà từ cả những cánh rừng già, rừng đặc dụng của các huyện giáp ranh như Phước Sơn, Nam Giang... được vận chuyển về đây. Có lạ không khi “một thời gian dài” không thấy lực lượng “tai mắt” nào phát hiện? “Tai vách mạch rừng” vẫn không xì ra thông tin có tới 5 điểm tập kết gỗ lậu với hàng trăm phách gỗ quý được cắt theo quy cách từ đòn tay, khung ngoại, cho đến những bộ phản có giá trị lên đến cả trăm triệu đồng? Vụ việc, đúng như ông Trần Văn Thu - Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã nói, kiểm lâm địa bàn và chính quyền sở tại phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Số lượng gỗ bị khai thác quá lớn, bãi tập kết gỗ sờ sờ ra đó, rồi việc xẻ quy cách gỗ bài bản vậy thì những bộ phận “tai mắt” trên không thể không biết.
Chúng tôi cũng làm một thống kê trong thời gian gần đây, các vụ phá rừng liên tiếp xảy ra ở địa bàn Quảng Nam. Cây ươi không biết giữ thân mình đã rải hạt bay đi khiến nhiều kẻ phát hiện tìm tới đốn hạ. Rừng dầu rái muốn chảy dòng nhựa thơm, bao người ào tới đốt cháy. Cây mật nhân “đắng lòng” cho kẻ lưng đau gối mỏi khiến thương lái động lòng tìm mua giá cao, bao người lại lùng rừng đào chặt đem về bán… Cây rừng thì vô tư dâng hiến. Lâm tặc thì rất… giỏi biết cây gì, gỗ gì, ở cánh rừng nào, và tìm cách khai thác triệt để. Vậy mà lực lượng giữ rừng, chính quyền sở tại rất bị động trong đối phó. Còn khi lực lượng chức năng tổ chức truy quét là “tai vách mạch rừng” ở đâu lộ ra cả, lâm tặc cao chạy xa bay, quy trách nhiệm thì phải điều tra dài ngày. Cũng cần phải nhắc, lâm tặc ngày càng ngang nhiên xâm hại rừng, dường như “coi thường” chính quyền. Lập bãi xẻ gỗ lớn như ở Nông Sơn nếu không có bảo kê thì chỉ có kẻ “ăn gan trời” mới dám làm nếu lực lượng giữ rừng tuần tra liên tục, chính quyền ra tay quyết liệt. Một số người bảo vệ rừng đơn độc thì bị lâm tặc chém, đòi “luộc nước sôi” như vụ việc xảy ra trung tuần tháng 9 này ở Khe Dâu mà Báo Quảng Nam vừa đưa tin mới đây. Rõ ràng cuộc chiến giữ rừng chưa và sẽ khó đến hồi kết, chỉ một lúc lơi lỏng thì cây rừng tiếp tục đổ; rừng khóc trong khi lâm tặc cười vào mũi lực lượng chức năng.
Rừng có mạch, vách có tai, không có chuyện gì kín như bưng mãi được. Ngẫm lại từ xưa có người đã nhắc rằng: Ông biết, tôi biết, trời biết, đất biết, thế sao gọi là không biết?
NGUYỄN ĐIỆN NAM