Bài thơ ánh trăng

NGUYỄN ĐIỆN NAM 07/09/2014 08:50

Hồi nhỏ sống với đồng/ với sông rồi với biển/ hồi chiến tranh ở rừng/ vầng trăng thành tri kỉ/ Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ/ ngỡ không bao giờ quên/ Cái vầng trăng tình nghĩa…”. Nhà thơ Nguyễn Duy đã bắt đầu bài thơ đầy thao thức về “Ánh trăng” như thế. Và, không có gì lạ cả, với người phương Đông, ánh trăng thường vắt qua miền suy tưởng gắn bao ý niệm về thời gian, về con gái – đàn bà - phụ nữ, về người mẹ, trẻ thơ…

Này thì trăng cười, trăng hát, dung dăng dung dẻ với bài đồng dao, cổ tích chú Cuội…

Này lúc vừa chớm hé tuổi xuân thì, mặt như trăng tròn “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”. Sao cụ Nguyễn Du thương Thúy Vân hơn thương Kiều, để người mang khuôn mặt ấy những đầy đặn của số phận?

Này là khi trăng thu vành vạnh, người phát bánh kẻ chia quà, rộn rã trống múa lân khắp làng quê thôn dã. Ấy cũng là lúc thi nhân đa cảm, đa mang, ngẫm ngợi với cảnh “đêm thu văng vẳng trống canh dồn” mà “Bà chúa” thơ Nôm Hồ Xuân Hương từng cảm khái.

Không thể nào kể xiết tâm trạng, nỗi niềm với ánh trăng!

Trở lại thơ Nguyễn Duy, chỉ để nhắc gợi điều này: “Từ hồi về thành phố/ quen ánh điện cửa gương/ vầng trăng đi qua ngõ/ như người dưng qua đường”. Dễ mất nhiều thứ lắm khi vào cao ốc chung cư. Cũng dễ mất đi sự hồn nhiên, trong trẻo mà thiên nhiên ban tặng cho đời con người. Bon chen, ngụp lặn trong cõi trần ai cơm áo gạo tiền, suốt ngày tối mặt, nếu không có ánh trăng thì có khi hóa dại chăng? Có trời có trăng, có âm có dương, có nam có nữ, có sự nóng cháy và sự mát mẻ… Quy luật tồn sinh của vũ trụ, khó mà không ảnh hưởng đến nhân sinh, trong thế cân bằng cuộc sống. Bởi vậy, khi xem ánh trăng là “người dưng” lòng sẽ hóa dửng dưng, còn thiết tha chi với mình, với người.

Có phải vì thao thức với bài thơ “Ánh trăng” mà nhiều lễ hội bây giờ hay nhắm tới đêm rằm? Không hẳn, Nguyễn Duy viết bài thơ ấy từ năm 1978, với ý niệm nhắc gợi cho những người ở rừng về thành phố nhớ lại tình nghĩa từng dành cho nhau lúc “hồn nhiên” và “trần trụi”. Bây giờ, với đà đô thị hóa, tìm về ánh trăng là gợi dậy nỗi niềm của con người muốn trở về nguyên quán thiên nhiên khi đã cảm thấy chật chội, xô bồ.

Sự tình cờ ở Hội An, trong một đêm cúp điện, người người chợt thấy ánh trăng ùa tới dịu dàng và thanh khiết. Vậy là lễ hội “Đêm rằm phố cổ” ra đời, đi cùng năm tháng với người Hội An và bè bạn, du khách gần xa.  Thơ Nguyễn Duy từng “gợi ý” một cảnh ngộ: “Thình lình đèn điện tắt/ phòng buyn-đinh tối om/ vội bật tung cửa sổ/ đột ngột vầng trăng tròn/ ngửa mặt lên nhìn mặt/ có cái gì rưng rưng/ như là đồng là bể/ như là sông là rừng…”. Nếu biết “gợi ý” ấy sớm, có lẽ người Hội An không phải để đến năm 1998, sau 20 năm bài thơ “Ánh trăng” của Nguyễn Duy ra đời, mới làm nên lễ hội “Đêm rằm  phố cổ”. Ấy là ngẫm ngợi vậy.

Ngẫu nhiên, sự tình cờ có thể bắt đầu cho những thức nhận về giá trị và sáng tạo mới. Nhưng có cái duyên ở trong ấy, có thao thức ở trong ấy, mới biết giật mình trước ánh trăng mà tìm cách hòa mình với thiên nhiên lộng lẫy.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

NGUYỄN ĐIỆN NAM