Hỏi quê
Vừa rời làng đi ra đã có người hỏi quê đâu. Ở nước ngoài hỏi về Việt Nam. Trong Việt Nam hỏi quê ở xứ mô, tỉnh chi,… Thi sĩ Bùi Giáng có câu thơ lạ: “Hỏi tên, rằng biển xanh dâu/ hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa…”. Mà ngẫm cũng xa thật, thương hải tang điền, bao thăng trầm lịch sử đã đưa đẩy phận người phiêu dạt. Ấy là chưa kể giờ đây người ta hay nói về “công dân toàn cầu”. Đó là những người sống và làm việc ở nhiều quốc gia khác nhau, có một hoặc nhiều quốc tịch. Cùng với quá trình toàn cầu hóa, hoạt động của các công ty đa quốc gia thu hút nhiều nhân lực ở các nước. Thêm nữa là nhiều nước có chính sách thu hút người tài để kiến tạo nền kinh tế tri thức. Đó là môi trường cho công dân toàn cầu phát triển. Với công dân toàn cầu biên giới địa lý lãnh thổ không có ý nghĩa mấy, vậy thì hỏi họ quê đâu? Ừ, thì cũng có quê, nhưng như “mộng ban đầu đã xa”…
Nước Việt ta có bao nhiêu “công dân toàn cầu” làm giàu cho đất nước bằng chất xám? Không rõ. Chỉ biết có bộ phận người Việt Nam ở nước ngoài, thường được gọi là Việt kiều,“kiều bào ta”. (Từ điển Thiều Chửu định nghĩa chữ “kiều” là “ở nhờ, đi ở nhờ làng khác hay nước khác gọi là kiều cư, kiều dân”). Theo số liệu của Học viện Ngoại giao, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khoảng gần 5 triệu người, cư trú tại 103 nước và vùng lãnh thổ, 98% trong số đó tập trung ở 21 nước tại Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á, Đông Bắc Á và châu Đại Dương. Tại Hoa Kỳ có khoảng 2,2 triệu người Việt sinh sống. Theo số liệu mới báo cáo đoàn công tác của Ủy ban đối ngoại Quốc hội, thì tỉnh Quảng Nam cũng có 10 ngàn kiều bào đang sinh sống tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ai cũng nhận thấy, đồng bào ta ở nước ngoài góp một nguồn lực lớn về kinh tế và nhân lực cho đất nước. Kiều hối là một nguồn lực không nhỏ. Năm 2009, số tiền kiều bào gửi về nước cho thân nhân thông qua các kênh chính thức là 6,2 tỷ đô la, năm 2010 là 8,1 tỷ, năm 2011 là 9 tỷ, năm 2013 là 11 tỷ, và dự kiến năm 2014 sẽ tăng thêm khoảng 20%. Việt Nam đứng thứ 9 trên thế giới về lượng kiều hối trong năm rồi, là con số khá ấn tượng! Phấn khởi là vậy nhưng ngẫm lại chuyện làm ra đồng tiền ở đâu chắc cũng cơ cực. Nhà báo Trương Điện Thắng, nhà văn Vu Gia, và nhiều người Quảng Nam nữa có dịp đi Mỹ đã chứng kiến đồng bào mình lao lực kiếm sống trên đất người. Sự day dứt là ở chỗ, những nghề ít sử dụng chất xám hiện tại đem lại kế sinh nhai cho phần lớn người Việt, trong khi người mình có tiếng thông minh. Vậy nên, muốn làm giàu một cách “sang trọng” không thể không tiếp cận với việc giáo dục để hình thành những công dân toàn cầu đủ sức chiếm lĩnh nền kinh tế tri thức. Làm thế nào để tạo nguồn “xuất khẩu chất xám”, “xuất khẩu chuyên gia” trong hội nhập quốc tế mới là câu chuyện cần suy ngẫm cho tương lai. Một khi đã cống hiến cho sự phát triển của thế giới thì con dân nước Việt mới được “chia phần” ngon, quê nhà mới thêm tiếng thơm. Lúc đó có ai hỏi quê đâu, có thể tự hào mà nói rất giàu quê ta.
NGUYỄN ĐIỆN NAM