Học & hành
Tỉnh Quảng Nam vừa mở lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý khóa I - 2014. Lớp có 106 học viên, phần lớn là cán bộ chủ chốt của sở ngành, địa phương. Vì vậy, nhìn cơ cấu chương trình bồi dưỡng kiến thức, không ít người nhận thấy có nhiều vấn đề nhằm củng cố những điều đã được học. Tỉ như phần nhắc lại phương pháp luận duy vật biện chứng, trong đó nhấn mạnh các nguyên tắc cơ bản về tính khách quan, toàn diện, phát triển, lịch sử cụ thể và nguyên tắc thực tiễn. Có lẽ với những ai từng học môn triết học Mác – Lênin, trải qua chương trình đào tạo cử nhân, cao cấp lý luận chính trị, hẳn sẽ khó quên các nguyên tắc đó. Tuy nhiên, vấn đề đáng suy ngẫm là ở chỗ, kiến thức đã học ấy được vận dụng như thế nào trong thực tiễn?
Tại một buổi thảo luận ở lớp học nói trên đã có nhiều ý kiến tập trung nêu, đặt câu hỏi về những bất cập trong xây dựng, ban hành và thực thi chính sách. Hầu như ngành nào, từ trung ương đến địa phương, đều có tình trạng ban hành chính sách mà không thể hoặc không đủ điều kiện triển khai trong thực tế. Thậm chí có chủ trương, chính sách, quy định... thể hiện rõ sự quan liêu hành chính máy móc, rập khuôn, giáo điều, xa rời thực tiễn. Đơn cử như trong bộ tiêu chí (cũ) về xây dựng nông thôn mới, có tiêu chí rất khó hoặc không thể đạt được với các địa phương nông thôn là chuyển dịch 50% số lao động nông nghiệp hiện có sang lao động công nghiệp. (Hay, để được công nhận xã nông thôn mới thì lao động nông nghiệp còn khoảng 35% trong cơ cấu lao động; nay phải sửa lại là có 90% lao động có việc làm thường xuyên). Cũng có ý kiến nêu là bộ 19 tiêu chí quá ôm đồm mà nguồn lực đầu tư khó đáp ứng, nên có địa phương chọn các xã loại trung bình khá trở lên để phát động xây dựng nông thôn mới nhằm mau đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Sở dĩ có chuyện ôm đồm, như một cán bộ ngành nông nghiệp phản ánh, là do trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí, ngành nào cũng muốn dự phần. Kết quả văn hóa có một tí, giáo dục có một chút, kinh tế có một miếng…Tưởng như vậy là phát triển toàn diện song rất dễ dàn trải, không đủ nguồn lực thực thi. Quan trọng hơn là mô hình nông thôn mới có biểu hiện rập khuôn về quy hoạch, về đầu tư hạ tầng làm mất không gian cảnh quan văn hóa đặc trưng các vùng miền.
Chỉ đề cập một chương trình đang thu hút sự quan tâm của cộng đồng như vậy đủ thấy nguyên tắc về thực tiễn đã không được đảm bảo. Chưa kể còn nhiều chính sách khác đưa ra rồi phải rút lại, hay có những quy định oái ăm kiểu ngực lép không được đi xe máy, hay mới đây là việc phạt người đội mũ bảo hiểm không đạt chất lượng theo yêu cầu (mà lẽ ra trước hết phải phạt, cấm cơ sở sản xuất, tiêu thụ mũ dỏm).
Trở lại vấn đề nêu từ đầu để ngẫm nghĩ vì sao lại có những bất cập trong xây dựng, ban hành chính sách. Ở tầm cán bộ địa phương như Quảng Nam còn có nhiều người thuộc nằm lòng các nguyên tắc phương pháp luận duy vật biện chứng, chắc cán bộ cấp ngành trung ương làm công tác tham mưu chính sách không xa lạ với kiến thức đó. Vậy thì vì sao vẫn có tình trạng không vận dụng các nguyên tắc ấy trong tư duy quản trị nên đã xây dựng và ban hành một số chính sách, quy định xa rời thực tiễn như vậy? Chỉ có thể nghĩ ở đây là chuyện học nhưng không hành, và đáng sợ hơn là học điều đúng mà thực hành có khi ngược lại, mang màu cảm tính, chủ quan hay vụ lợi. Người ta hay bàn tán việc ban hành chính sách, quy định có một số trường hợp là biểu hiện của lợi ích nhóm, hay “tư duy của người ở phòng máy lạnh, xe sang” cũng có thể vì lý do như vậy.
ĐĂNG QUANG