Chiếc nôi

BẢO TRÂN 28/06/2014 07:53

Thuở còn thơ, ta ấm êm trong chiếc nôi đong đưa sau liếp cửa nhà mình. Gia đình hiện ra với bóng dáng vòng tay ông bà, ba mẹ, anh chị ẵm bồng ta. Ăn cơm nhai, uống sữa mẹ hay nước cơm sôi, vậy mà bao trẻ nghèo đã lớn lên. Rồi mỗi ngày dần xa chiếc nôi thương yêu ấy, có lúc lòng cô quạnh trên đường đời mịt mù ta lại thổn thức nhớ về nhà mình, gia đình mình. Biết bao suy tư in hằn lên đuôi mắt mẹ dõi theo ta. Chiếc nôi thương yêu vẫn kẽo kẹt trong tâm thức, nên có kẻ giang hồ chỉ “nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.

Thực ra đâu phải chỉ có một ngày Quốc tế gia đình (15.5) hay ngày gia đình Việt Nam (28.6) để dành cho những ai mơ mái ấm gia đình được dịp ngẫm nghĩ về chiếc nôi hạnh phúc. Việc ấn định một ngày như thế chỉ mang tính hiệu triệu là chính, nhằm để xây dựng ý thức trong giữ gìn và phát huy giá trị của “tế bào xã hội”. Có thể nói, qua đó đã khơi dậy các phong trào xã hội nhằm kêu gọi xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, bình đẳng, hạnh phúc. Ở xứ Việt, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được phát động cũng lấy gia đình là một trong những trụ cột chính; và ở Quảng Nam có 313.676 gia đình được công nhận gia đình văn hóa. Những hoạt động biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu, hay chỉ mang tính văn nghệ như thi “Gia đình tài tử”, “Gia đình hát ru và hát dân ca”, “Gia đình tài năng”, “Vũ điệu thần tiên”; phát động các cuộc thi ảnh, video clip “Khoảnh khắc yêu thương”… có những ý nghĩa thiết thực. Đặc biệt thú vị với chủ đề  Ngày Gia đình Việt Nam 2014 là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”, mang ý nghĩa trân trọng những giây phút sum họp của mọi gia đình Việt Nam bên bữa cơm gia đình hạnh phúc, đầm ấm. Chủ đề “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” còn gắn với chủ đề truyền thông về “Xây dựng nhân cách người Việt Nam từ giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình”.

Nói về bữa cơm gia đình, hẳn sẽ phải ngẫm nghĩ về những thay đổi điều kiện sống xã hội. Cũng như nhiều tỉnh thành trong nước, Quảng Nam giờ đây đã manh nha dịch vụ cơm văn phòng, cùng hệ thống cơm bụi, quán cà phê có phục vụ cơm trưa. Rồi chuyện dùng thức ăn nhanh trở thành thời thượng trong giới trẻ, công nhân. Hệ thống trường bán trú phát triển với nhiều dịch vụ nên cha mẹ có thể gửi con suốt cả ngày mà chả phải lo cơm nước gì. Tiện ích thì rõ rồi nhưng cũng vì thế bữa cơm gia đình ở những hoàn cảnh ấy dần phai nhạt, giáo dục gia đình có cơ lỏng lẻo. Vậy nên, sẽ có lúc không thể nào đo đếm được những giọt nước mắt của người mẹ hớt hải đi tìm con ở các quán game; sẽ thật muộn màng khi phát hiện con mình đang bỏ học mà tụ tập cà phê đánh bài; còn chua xót hơn khi phải ra tòa nhìn con mình bị tuyên án. Những hệ lụy đó, xét cho cùng gốc rễ là sự tha hóa những giá trị truyền thống, trong đó có gia đình, đôi khi bắt đầu từ chính việc không có bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương.

Nhà giáo dục học người Mỹ - tiến sĩ Dan Davenpor, đã kết luận sau một cuộc điều tra xã hội học về thực trạng gia đình ở Mỹ, rằng: “Tình trạng gia đình ảnh hưởng đến sự thành công trong tương lai của con cái nhiều hơn bất cứ yếu tố nào khác, kể cả chủng tộc, thu nhập và học vấn của cha mẹ”. Như thế, ngẫm đến cùng là con đường ta đi vòng trở lại với chiếc nôi gia đình. Ở đó, có bữa cơm ấm áp với những người thân yêu. Ở đó, sống dậy hồi ức về tuổi thơ êm đềm trong lời ru của bà của mẹ. Ở đó có bếp lửa, có bàn thờ gia tiên, có những lời răn “đói cho sạch, rách cho thơm”. Và ở đó có những an ủi động viên mỗi khi ta thất bại trên đường đời hay chia sẻ niềm vui thành công trong cuộc sống.

BẢO TRÂN

BẢO TRÂN