Lịch sử, dấu lặng…
Kỳ thi tốt nghiệp THPT đã kết thúc nhưng dư âm còn gợi lên những nghĩ suy với sự lựa chọn của thí sinh về môn Sử.
Trên một bình diện rất rộng, nhiều địa phương trong nước đều phản ánh số lượng thí sinh dự thi môn Sử rất ít. Ngay ở thủ đô, số lượng thí sinh chọn môn thi này chỉ khoảng 7 nghìn em. Ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh có trường lác đác một vài em dự thi. Thừa Thiên Huế có 861 thí sinh. Đà Nẵng có 470 thí sinh hệ giáo dục trung học và 297 thí sinh hệ giáo dục thường xuyên. Lâm Đồng có 3/48 hội đồng thi không có thí sinh môn Sử. Chưa bao giờ trong kỳ thi tốt nghiệp lại xảy ra cảnh cả một hội đồng thi chỉ quay quanh một thí sinh dự thi.
Trong bối cảnh ấy, Quảng Nam không là ngoại lệ, chỉ có 1.264 thí sinh dự thi môn Sử, trong tổng số 20.603 thí sinh. Ở huyện Đông Giang, tại điểm thi trường THPT Quang Trung ngay thị trấn Prao không có thí sinh nào dự thi môn Sử.
Môn Lịch sử, trở thành một dấu lặng buồn khi ít được học sinh lựa chọn.
Và sự lựa chọn ít ỏi với môn Sử cũng đặt vô số câu hỏi cho giáo dục.
Vì sao môn Sử không hấp dẫn nhiều học sinh? Liệu giáo trình và cách dạy Sử có vấn đề? Nếu không học Lịch sử thì nguy cơ gì sẽ xảy ra?... Những câu hỏi đó như vòng xoáy vào tâm can của những ai quan tâm đến thế sự nhân tình, đến sự nghiệp giáo dục truyền thống, trao truyền ngọn lửa yêu nước từ xưa đến nay.
Thực ra, đã có vô số lời khuyến cáo về ý nghĩa của việc dạy Sử, học Sử. Cụ Hồ từng làm diễn ca lịch sử Việt Nam để kêu gọi lòng yêu nước thương nòi: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Và, chẳng hạn để nhắc bài học lịch sử qua nghìn năm Bắc thuộc, Cụ Hồ đã viết: “Nước Tàu cậy thế đông người/ Kéo quân áp bức giống nòi Việt Nam/ Quân Tàu nhiều kẻ tham lam/ Dân ta há dễ chịu làm tôi ngươi?”. Nhà thơ Trần Đăng Khoa cũng gợi lên suy tư về giá trị của bài học từ câu chuyện lịch sử được kể lại như một lời răn truyền đời. Ví như câu chuyện Mỵ Châu – Trọng Thủy: “Có những lỗi lầm phải trả bằng mấy kiếp người/ Nhưng lỗi lầm của em phải trả bằng máu xương dân tộc/ Bài học truyền đời còn thấm trong từng trang tập đọc/ Gót ngựa Triệu Đà còn đau đến hôm nay” (Trước đá Mỵ Châu).
Như thế, Lịch sử chính là môn học dễ gợi lên khao khát tìm hiểu quá khứ, là nơi để khơi nguồn tình tự dân tộc, cung cấp những bài học để làm nền nhận thức cho hành động tương lai. Ý nghĩa là vậy, nhưng môn Sử không hấp dẫn nhiều học sinh hiện nay ngẫm ra không phải từ chính bản thân môn Sử mà là ở cách tiếp cận, truyền đạt, giáo trình giảng dạy đồng thời có mặt tác động của xã hội. Thời đại công nghệ, sức hút từ các ngành kỹ thuật, cơ chế thị trường, sự thúc ép từ kế mưu sinh… là những lý do khiến học sinh ít chọn môn Sử để học tiếp với các ngành khối xã hội vì khó tìm kiếm việc làm. Nhưng điều đáng nói hơn là giáo khoa và chương trình dạy/học môn Sử còn khá nặng nề về sự kiện và số liệu. Chẳng hiểu sao với công nghệ ngày nay chỉ cần và cái nhấp chuột là có thể kiểm chứng một sự kiện lịch sử đã tải lên internet vậy mà nhiều nơi còn nhồi nhét bắt học sinh phải thuộc lòng như vẹt. Trong cách dạy môn Sử thì không ít thầy cô dạy rất khô khan, chương trình không có nhiều khoảng trống để kể chuyện, hoặc học ngoại khóa qua tham quan các di tích lịch sử…
Lịch sử kể cho chúng ta biết chúng ta là ai. Lịch sử là câu chuyện chính yếu của cuộc sống, là con đường đi tìm ánh sáng của sự thật, xây dựng nhân cách, tình cảm nhân văn. Nhiều nhà giáo dục đã nói như vậy, nhưng làm thế nào để truyền đạt những câu chuyện lịch sử hấp dẫn được thế hệ trẻ vẫn là câu hỏi đau đáu.
ĐIỆN NAM