Biển Đông dậy sóng
Những ngày đầu tháng Năm, biển Đông lại dậy sóng. Một giàn khoan khổng lồ HD-981 được hàng chục tàu Trung Quốc hộ vệ đưa vào định vị để thăm dò dầu khí trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta, chỉ cách đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) khoảng 119 hải lý. Tường thuật tại cuộc họp báo quốc tế do Bộ Ngoại giao tổ chức, các báo trong nước dẫn nguồn tin từ ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cho biết cụ thể Trung Quốc đã đưa 80 tàu các loại tham gia bảo vệ phục vụ HD-981, trong đó có 7 tàu quân sự có hộ vệ tên lửa và tuần tiễu tiến công nhanh, cùng nhiều tàu hải giám, tàu hải cảnh, tàu cá. Khi các tàu Cảnh sát biển và Kiểm ngư Việt Nam ra yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan thì các tàu Trung Quốc có sự yểm trợ của máy bay đâm thẳng vào tàu ta, dùng vòi rồng, súng bắn nước tấn công khiến tàu Việt Nam hư hỏng, kiểm ngư viên bị thương.
Trước động thái của Trung Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm cho Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã gặp Đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Công hàm yêu cầu Trung Quốc “rút ngay giàn khoan nói trên cùng các tàu, thiết bị, nhân sự có liên quan ra khỏi khu vực lô 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam và không để tái diễn các hành động tương tự”.
Tình hình căng thẳng trên biển Đông lần nữa khiến chúng ta phải nhận thức và suy ngẫm về tham vọng của Trung Quốc. Các chuyên gia phân tích đã chỉ ra rằng, chiến lược “tằm ăn dâu” là bước đi hết sức nguy hiểm, đe dọa sự ổn định của khu vực và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi các bên liên quan trên biển Đông. Theo đó, bằng cách gia tăng các hoạt động núp dưới vỏ bọc kinh tế, dân sự, nghiên cứu khoa học, Trung Quốc muốn từng bước hiện thực hóa “đường lưỡi bò” phi lý của họ. Với cách thức ấy, họ muốn biến vùng không có tranh chấp thành vùng tranh chấp. Khi xảy ra tranh chấp, họ lại sử dụng “chiến lược cải bắp”, bao vây một hòn đảo và vùng biển đang tranh chấp với vòng trong vòng ngoài gồm tàu đánh cá, tàu ngư chính, tàu hải giám, kể cả tàu chiến sao cho “hòn đảo bị bao bọc hết lớp này tới lớp khác như một bắp cải.” Nếu không thể giải quyết triệt để như tham vọng chiếm phần lớn biển Đông thì Trung Quốc đề nghị “gác tranh chấp cùng khai thác”.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tuyên bố hôm 6.5, rằng “Việt Nam sẽ dùng mọi biện pháp phù hợp và cần thiết để bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình”. Việt Nam kiên trì giải quyết tình hình biển Đông qua con đường hòa bình, nên ta tránh sự khiêu khích bắt mồi cho ngọn lửa xung đột vũ trang. Vì hơn hai hết dân tộc ta đã trải qua những cuộc chiến khốc liệt trong quá khứ, hiểu được cái giá của độc lập phải trả bằng máu xương chất chồng. Song, công cuộc giữ gìn biển đảo thân yêu đang là một thử thách vô cùng cam go đòi hỏi bản lĩnh, suy ngẫm và tìm kiếm cho được đối sách khôn khéo thông minh mà cương quyết nhằm bảo vệ chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
ĐĂNG QUANG